Tạo cơ sở pháp lý để Đà Nẵng phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển

(BKTO) - Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

19.3.24-da-nang-6-.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Nguồn moj.gov.vn

Báo cáo tại phiên họp cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, TP. Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật như phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ thành phố xuống phường theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt; đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường, giảm khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về: Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân (UBND) quận, phường; cơ chế tài chính của UBND quận, phường; liên thông cán bộ phường và cán bộ, công chức xã; biên chế công chức phường.

Quá trình triển khai một số cơ chế chính sách tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội còn chậm so với kế hoạch. Một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp. Một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm, chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các chính sách, cơ chế đặc thù mang tính đột phá, có tính động lực, lan tỏa. 

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội để chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của mô hình chính quyền đô thị và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra tại Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề cập vấn đề hoàn thiện các chính sách liên quan đến chính quyền đô thị, tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến các nội dung Dự thảo Đề án, đề cương chi tiết và Nghị quyết của Quốc hội kèm theo Văn bản số 573/UBND-SKHĐT ngày 27/01/2024 của UBND TP. Đà Nẵng.

Tuy nhiên, liên quan đến đề xuất tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông,  cơ quan chủ trì cần lưu ý việc đề xuất tách phải bảo đảm được 2 yêu cầu, gồm dự án đầu tư chắc chắn sẽ thực hiện, không gây lãng phí và việc thực hiện bảo đảm tính khả thi; không nên áp dụng cho công trình theo tuyến như giao thông, thuỷ lợi qua khu vực có địa hình đồi, núi.

Trao đổi tại phiên họp, các đại biểu đề nghị bổ sung chính sách liên quan đến hoàn thiện chính quyền đô thị trên cơ sở Báo cáo số 6158/BC-BNV ngày 22/10/2023 của Bộ Nội vụ sơ kết thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng tại Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Trong đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 119/2020/QH14 theo hướng quy định cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân quận, phường thuộc TP. Đà Nẵng có chức danh Trưởng Công an quận, Trưởng Công an phường. Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm kịp thời phát hiện các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự từ sớm, từ xa; qua đó tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ an ninh, trật tự trên địa bàn được thống nhất, hiệu quả.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đề xuất một số ý kiến như rà soát các quy định về dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư về văn hoá, thể thao; nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi để phát triển vi mạch bán dẫn.

thu-truong_19.3.24-da-nang-5-.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nguồn moj.gov.vn

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá các chính sách trong Đề cương Dự thảo Nghị quyết đã phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Hiến pháp. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các chính sách để thể chế hoá các mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm tính khả thi trên thực tế và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp.

Cân nhắc điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết; rà soát các quy định liên quan đến trợ cấp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách mới như khu thương mại tự do.

Tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua./.

Cùng chuyên mục
Tạo cơ sở pháp lý để Đà Nẵng phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển