Tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

(BKTO) - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và các Hiệp hội ngành hàng đều đánh giá, các chính sách hỗ trợ thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả lớn trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ bùng phát trở lại ở bất cứ nơi đâu. Do đó, cần phải có những biện pháp kiểm soát dịch bệnh kịp thời để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và nguồn cung lao động, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN.



Dần thích ứng với trạng thái bình thường mới

Hiện nay, diễn biến của dịch bệnh đã được kiểm soát tương đối hiệu quả. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, các DN đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
                
   

Sản xuất công nghiệp đã có những dấu hiệu phục hồi. Ảnh minh họa: VGP

   

Tác động tích cực nêu trên thể hiện qua hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử… được các Hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao so với năm trước khi các DN dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.

Hiện nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương đang tiếp tục tăng tốc, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trong đó, nhiều tỉnh thành ghi nhận trên 90% DN đã hoạt động trở lại, khôi phục chuỗi sản xuất.

Theo ghi nhận của Cục Công nghiệp, tại tỉnh Long An, tính đến ngày 18/11, trên 91% DN đã hoạt động lại với khoảng 330.000 lao động. Trong đó có khoảng 3.435 DN sản xuất với 263.166 lao động, bao gồm các DN đã đăng ký hoạt động “3 tại chỗ” trước đây, DN được thẩm định phương án phục hồi sản xuất và 4.000 DN ngành kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu với khoảng 57.800 lao động.

Tại tỉnh Bạc Liêu, trong điều kiện hiện nay, nhiều địa phương đã giảm cấp độ dịch nên DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các xã có cấp độ dịch 1 và 2 đã hoạt động bình thường. Tại các địa phương có cấp độ dịch 3, 4 thì chỉ những người đã khỏi bệnh Covid-19, người tiêm đủ 02 liều vắc xin hoặc người đã tiêm 01 liều vắc xin trên 14 ngày được tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường hợp người được tiêm 01 liều vắc xin dưới 14 ngày thì chỉ được tham gia hoạt động theo phương án “03 tại chỗ”.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng đang có 312 DN hoạt động sản xuất công nghiệp với tổng số 48.694 lao động. Trong đó, Khu công nghiệp An Nghiệp có 47 DN hoạt động với 22.000 lao động; ngoài khu công nghiệp có 265 DN hoạt động với 26.694 lao động. Như vậy, 84% DN trong Khu công nghiệp An Nghiệp đã phục hồi hoạt động sản xuất. Ở ngoài các khu công nghiệp, đã có 135 DN hoạt động trở lại (đạt 54,4%) với 33.034 lao động.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, theo Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, tình hình phục hồi sản suất của các DN đang tăng tốc nhằm thích ứng nhanh với tình hình mới. Từ ngày 01/10-17/11, các DN sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động tăng từ 191 DN lên 264 DN, với lao động tăng từ 20.661 người lên 46.365 người.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Cục Công nghiệp, để giúp các DN thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình mới, các cấp, các ngành, các Hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nối lại nhanh chuỗi sản xuất, khôi phục nền kinh tế, theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP và các quy định, hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
                
   

Nguồn lao động là nhân tố quan trọng để doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ảnh minh họa: Đại biểu Nhân dân

   

Từ phía các Hiệp hội ngành hàng, kiến nghị cụ thể được đưa ra để hỗ trợ DN là phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm về sản xuất, có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo điều kiện cho DN và người lao động duy trì và sớm triển khai trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các Hiệp hội ngành hàng cũng cho rằng, về phía các Bộ, ngành và địa phương, cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan, tránh tình trạng ban hành và thực thi các chính sách không phù hợp với chủ trương phòng, chống dịch trong tình hình mới gây ách tắc, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người lao động. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành thêm các hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về quy trình phòng, chống dịch trong tình hình mới để các DN thống nhất và chủ động áp dụng.

Để tăng tính chủ động cho DN trong công tác phòng dịch, các Hiệp hội ngành hàng đề xuất nên xem xét cho phép DN nhập khẩu bộ xét nghiệm và các vật tư, thiết bị khác để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nội bộ DN, tự tiến hành xét nghiệm và chứng nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động dưới sự giám sát của cơ quan y tế.

Cùng với các chính sách tạo điều kiện để lực lượng lao động trở lại làm việc tại các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn trong thời gian sớm nhất, giúp DN nhanh chóng phục hồi nguồn cung lao động phục vụ sản xuất, cần sớm ban hành chính sách áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép người lao động có thể làm thêm nhiều giờ hơn quy định (không quá 400 giờ/năm) để tạo điều kiện cho các DN tăng ca, bảo đảm tiến độ giao hàng.

Thêm nữa, giảm áp lực tài chính cho DN trong thời kỳ dịch bệnh cũng là giải pháp cần được tính đến thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, tín dụng, chi phí an sinh xã hội… nhằm giúp các DN từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính phục vụ sản xuất.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Kết nối hợp tác, giao thương phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, từ ngày 07 đến 11/12 sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam trên môi trường số - Virtual Vietnam Foodexpo 2021.
  • Sữa tươi của Vinamilk chính thức “chào sân” tại triển lãm quốc tế hàng đầu Thượng Hải
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Từ ngày 09 đến 11/11, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tham gia Triển lãm Thực phẩm Quốc tế (FHC) 2021 tại Thành phố Thượng Hải để quảng bá các sản phẩm sữa tươi, đặc biệt là sữa tươi Organic với “tiêu chuẩn kép” đến các khách hàng, đối tác quốc tế trong sự kiện này. Các sản phẩm sữa tươi của Vinamilk cũng đã có mặt trên thị trường và ghi nhận các tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng tại Trung Quốc.
  • Infographic - Hơn 8.200 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2021
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước. Cụ thể: Cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108.600 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58.800 lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9/2021.
  • Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến về việc triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không.
  • Vinamilk: Doanh thu quý 3/2021 lần đầu tiên vượt 16 nghìn tỷ đồng
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Công ty Cổ Phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 3/2021 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.208 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.961 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất hoàn thành lần lượt 73% và 75% kế hoạch năm.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh