Tháo gỡ “điểm nghẽn” thiếu vốn
KTTT ở nước ta hiện nay là thành phần kinh tế có hình thức đa dạng với nòng cốt là HTX. Đây là thành phần kinh tế được Đảng, Nhà nước ta đánh giá là có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Tuy nhiên, khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp. Phần lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp… Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nhận thức của nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp về bản chất, vị trí, vai trò của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho KTTT tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi…
Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển KTTT, Luật HTX năm 2023 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, gồm: 12 chương và 115 Điều. Trong đó, tại Chương II, gồm 13 Điều quy định về chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX (gọi chung là HTX), với các chính sách: Chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách thuế, phí và lệ phí; chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm...
Đáng chú ý, một trong những vướng mắc lớn nhất đối với các HTX, đó là vấn đề thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng cũng đã được đề cập rõ hơn trong Luật HTX so với trước đây. Cụ thể, tại Điều 23 của Luật quy định về chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm, trong đó quy định HTX được vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo quy định của Chính phủ…
Có thể nói, các chính sách về phát triển HTX tại Luật HTX đã bám sát chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Luật HTX sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho HTX hoạt động, phát triển; đồng thời loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Đảm bảo các điều kiện để đưa Luật vào cuộc sống
Luật HTX năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo đó, để đảm bảo các quy định của Luật đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả các chính sách của Nhà nước về phát triển HTX theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, Chính phủ, các ngành chức năng cần thực hiện tốt một số yêu cầu cấp bách.
Trước tiên, cần tăng cường tổ chức nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền Luật HTX năm 2023 tới các đối tượng chịu sự tác động của Luật với nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Trong đó, cần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức về vai trò của KTTT trong nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT; ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật HTX bảo đảm hiệu lực phù hợp với thời điểm Luật HTX năm 2023 có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2024); tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về KTTT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KTTT, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
Trong triển khai thực hiện chính sách về HTX, cần đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện pháp luật về KTTT; tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức đối với việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật về KTTT đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cùng với việc tạo pháp lý thuận lợi, Nhà nước cần bố trí thích đáng ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển KTTT, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển KTTT, phù hợp với yêu cầu phát triển của KTTT và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan chủ quản cần tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức KTTT; có chính sách phù hợp để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, như: Nợ kéo dài trong HTX, các quan hệ về tài sản của HTX; rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động; cơ cấu lại các HTX tín dụng, nhất là xử lý một số HTX yếu kém. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức KTTT hoạt động có hiệu quả./.