Tạo động lực cho các hợp tác xã phát triển bền vững

(BKTO) - Để tạo động lực cho các hợp tác xã (HTX) phát triển, vượt qua được những khó khăn, thách thức về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị…, cần thiết phải sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn.



                
   

HTX được coi là nòng cốt của khu vực kinh tế tập thể. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Đóng góp của các HTX vào nền kinh tế giảm mạnh

Mặc dù Đảng ta xác định khu vực kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là HTX, cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, tuy nhiên, mức độ đóng góp của khu vực KTTT vào cơ cấu nền kinh tế quốc dân ở nước ta ngày càng suy giảm, từ trên 5% năm 2013 xuống còn gần 3,7% năm 2020.

Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực KTTT, HXT đóng góp trong nền kinh tế quốc dân ở một số quốc gia trên thế giới rất đáng kể như: ở New Zealand, HTX đóng góp 20% GDP, chịu trách nhiệm 95% thị trường sữa nội địa và 95% kim ngạch xuất khẩu sữa; ở Singapore có khoảng 1,4 triệu thành viên HTX, nắm giữ 18 tỷ USD tổng tài sản.

Dự báo trong những năm tới, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP của khu vực KTTT ở nước ta sẽ tiếp tục giảm. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX rất thấp, đạt trung bình năm 2020 là 51,31 triệu đồng/người so với bình quân cả nước là 63,61 triệu đồng/người.

Do vậy, việc phát triển khu vực KTTT không những không đạt, mà ngày càng xa mục tiêu “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế” mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã đề ra.

Hiện nay, HTX đã phát triển về số lượng nhưng số lượng thành viên trong HTX ngày càng giảm, trong khi quy mô số lượng thành viên của HTX là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tính hợp tác và chất lượng phát triển của HTX. Theo số liệu báo cáo, số lượng HTX cả nước đã tăng đáng kể, từ 19.357 HTX năm 2013 đến 26.642 HTX tính đến ngày 30/6/2021.

Tuy nhiên, số lượng thành viên HTX cả nước giảm từ 8 triệu thành viên xuống 5,7 triệu thành viên, chiếm khoảng 5,8% dân số cả nước, trong khi bình quân của thế giới là 15% dân số toàn cầu; số thành viên bình quân/HTX cũng giảm mạnh từ 413 thành viên xuống 213 thành viên/HTX. Lao động thường xuyên trong HTX cũng ngày một giảm đi qua các năm, từ 1.189.652 người (năm 2013) xuống còn 807.888 người hiện nay. Điều này phản ánh thực trạng phát triển HTX ở nước ta chưa đúng hướng, chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí trong nền kinh tế của đất nước.
                
   

Lao động thường xuyên trong các HTX ngày một giảm. Ảnh minh họa: nhandan.com.vn

   

Cần cơ chế tạo động lực cho HTX phát triển

Bên cạnh nguyên nhân là bản thân các HTX chưa chú trọng phát triển thành viên thì một thực trạng nữa được Bộ KH&ĐT chỉ ra là hầu hết các HTX có quy mô nhỏ và rất nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và giữa các khu vực kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp. Doanh thu, lợi nhuận bình quân của HTX còn rất thấp. Dự kiến đến tháng 12/2021, doanh thu trung bình một năm của HTX ước đạt khoảng 4,9 tỷ/HTX, lợi nhuận đạt khoảng 366 triệu đồng/HTX/năm.

Cùng với đó, sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong các HTX còn lỏng lẻo, thiếu động lực, lòng tin của thành viên thấp, dẫn tới chưa tạo nên các HTX mạnh về nội lực và gặp khó trong phát triển các quan hệ kinh tế với các loại hình tổ chức kinh tế khác để tham gia thị trường, cùng hưởng lợi và cùng phát triển với các loại hình công ty trong lĩnh vực mà HTX hoạt động.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với các thành tựu mới của khoa học - công nghệ, các HTX cần phải chủ động thoát khỏi những cản trở và vướng mắc mang tính cố hữu như: phân tán, quy mô nhỏ, không liên kết, không ứng dụng các khoa học công nghệ tiên tiến… - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Các tổ chức kinh tế Việt Nam nói chung và các HTX nói riêng muốn tham gia được thị trường đòi hỏi phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn và quy định khắt khe về chất lượng, mẫu mã và kiểu dáng sản phẩm. Những thách thức này đang đe dọa sự ổn định hoạt động của các HTX. Nếu cạnh tranh không thành công, HTX sẽ không thể vươn ra được thị trường ngoài thành viên, mà có thể sẽ mất luôn cả thị trường thành viên.

Thêm vào đó, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đang làm thay đổi mạnh cơ cấu dân số và lao động ở các vùng. Hàng triệu lao động từ nông thôn ra sinh sống, làm việc tại ở các khu đô thị, khu công nghiệp. Điều này khiến cho lao động trong các HTX nông thôn giảm đi cả về lượng và chất.

Hơn 60% số HTX hiện nay đang hoạt động nông nghiệp, nông thôn đã không thể tìm được nguồn lao động trẻ để bổ sung, thay thế lực lượng lao động quá tuổi, phải rời bỏ các vị trí làm việc trong HTX. Kết quả là HTX đã khó khăn về vốn, khoa học công nghệ lại còn gặp cả khó khăn về nhân lực.

Trước những vấn đề thực tiễn trên, Bộ KH&ĐT đang được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) với mục tiêu tạo hành lang pháp lý thông thoáng để HTX phát triển bền vững, lâu dài, loại bỏ các quy định rào cản HTX tham gia thị trường, phát triển thành viên, phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTT, HTX.

Để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với các HTX, Bộ KH&ĐT cho rằng, kiểm toán HTX là rất cần thiết nhằm tạo sự minh bạch và phản ánh “sức khỏe” của HTX cho các thành viên HTX và các đối tác của HTX, giúp Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc quản lý điều hành hiệu quả, tạo điều kiện để HTX huy động vốn từ các tổ chức tín dụng bên ngoài và là cơ sở để Nhà nước hỗ trợ cho HTX.

Trên thế giới, quy định về kiểm toán bắt buộc đối với HTX có từ lâu đời và phổ biến ở nhiều nước như Đức, Nhật, Thái Lan. Tuy nhiên, quy định về kiểm toán trong Luật HTX năm 2012 và Điều 20 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP còn chung chung, thiếu chi tiết và chưa đi vào cuộc sống. Do đó, đây cũng là một nội dung cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Tạo động lực cho các hợp tác xã phát triển bền vững