.jpg)
Thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng cán bộ có chuyên môn cao
Nghị quyết gồm 12 điều quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Trong đó, Nghị quyết quy định, ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt khi bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật, Nghị quyết nêu rõ: Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).
Nghị quyết cũng quy định sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và có chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật, chuyên gia pháp luật được ưu tiên xét tuyển vào các cơ quan, đơn vị
Quốc hội cũng cho phép thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ đối với cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.
Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế; đưa chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế.
Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang được lựa chọn tham gia, làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế được hưởng chế độ, chính sách tham gia, làm việc tại tổ chức quốc tế và giữ nguyên chế độ, chính sách trong nước.
Ngoài ra còn có các chính sách thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp xây dựng pháp luật
Phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số
.jpeg)
Nghị quyết nêu rõ, phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Theo đó, hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật nhằm thu thập, số hóa, tích hợp các nguồn dữ liệu chủ trương, đường lối của Đảng, hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các nguồn dữ liệu liên quan khác để hình thành các kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở phục vụ hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển trợ lý ảo trong hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ đổi mới quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở khai thác các nguồn cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật.
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước phục vụ hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Bảo đảm bố trí đủ ngân sách nhà nước để xây dựng, thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: Một số ý kiến đề nghị cần gắn việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Về vấn đề này, Chính phủ xin tiếp thu, chỉnh lý Điều 3 theo hướng: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 về “bảo đảm áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt đúng đối tượng, quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết này”; bổ sung nguyên tắc mang tính chế tài tại khoản 4 “Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Về việc hỗ trợ hằng tháng cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách (tại điểm b khoản 1 Điều 7), bởi đây là nhóm cán bộ cơ bản bảo đảm tiêu chí “trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu chính sách, xây dựng pháp luật” quy định tại Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị.
Để bảo đảm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định mức khoán chi đối với các loại văn bản quy phạm pháp luật mới hiện chưa quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025./.