Giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy xã hội dân chủ, công bằng, văn minh
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành BHXH Việt Nam cũng nhận thức rõ, đây là thời cơ để tạo bước đột phá, quyết tâm mạnh mẽ để cụ thể hóa chủ trương BHXH, BHYT toàn dân trong thực tiễn.
Chia sẻ quan điểm trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, để mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, trước hết, mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân phải được thực hiện thật tốt. Cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của chính sách BHXH, BHYT - trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là cơ chế quan trọng để bù đắp, hỗ trợ thu nhập cho người dân trong những hoàn cảnh khó khăn như ốm đau, tai nạn lao động, mất việc làm, già yếu…
Thực trạng già hóa dân số hay sự phát triển khoa học công nghệ dẫn đến những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, sự gia tăng chi phí y tế… càng khẳng định bản chất nhân văn, tính chất chia sẻ xã hội, tính khoa học đúng đắn, hợp lý theo nguyên tắc “đóng - hưởng” của BHXH hay nguyên lý lấy số đông bù số ít của BHYT. “Thực hiện BHXH, BHYT thật tốt là giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; BHXH, BHYT hướng tới toàn dân là cơ chế đảm bảo vững chắc an sinh xã hội toàn dân” - ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Thực tiễn cho thấy, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT toàn dân ngày càng được thể chế hóa mạnh mẽ. Nhận thức và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương về BHXH, BHYT ngày càng tích cực; qua đó chung tay đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu về BHXH, BHYT. Quỹ BHXH và các quỹ thành phần trở thành quỹ an sinh lớn nhất, quỹ tài chính lớn thứ hai sau ngân sách nhà nước, đảm bảo trực tiếp giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho từng người tham gia và thụ hưởng chính sách với khoảng 100 triệu dân, trong đó có trên 90% dân số hưởng BHYT, khoảng 150 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT mỗi năm và 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, hàng chục triệu người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn. BHXH Việt Nam đã quản lý chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, sử dụng tối ưu nguồn Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Đặc biệt, trong năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới quan trọng. Đây là “điểm tựa” pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội mới, tiền đề mới nhằm tiếp tục phát triển mạnh mẽ số người tham gia BHXH, BHYT, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Đi đầu trong chuyển đổi số
Song hành với việc thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam cũng đạt được nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Đây là nền tảng quan trọng để Ngành phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Những năm qua, BHXH Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; triển khai sớm, hiệu quả giao dịch điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính liên thông, thanh toán trực tuyến, triển khai ứng dụng VssID trên thiết bị di động nhằm công khai, minh bạch thông tin, cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT.
Đặc biệt, ngành BHXH đã xây dựng hệ thống cơ sở chuyên ngành tập trung; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng…, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đang được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, góp phần vào động lực phát triển của đất nước. Đơn cử, dữ liệu do ngành BHXH Việt Nam quản lý được kết nối với hơn 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, trung bình mỗi năm tiếp nhận và xử lý hơn 174 triệu lượt hồ sơ đề nghị thanh toán. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình triển khai Sổ Sức khỏe điện tử. Ngoài ra, hiện có hơn 621.000 doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, qua đó tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT…
Từ việc quản lý hiệu quả Quỹ BHXH, BHYT, BHTN cũng như chú trọng hiện đại hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, ngành BHXH Việt Nam đã đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên (công tác thu, chi trả quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân). Trên nền tảng này, BHXH Việt Nam xác định tiếp tục chú trọng thực hiện tốt hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại. “Đây là những yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; từ đó, tiếp tục cụ thể hóa mạnh mẽ chủ trương BHXH, BHYT toàn dân của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng để xây dựng vững chắc hệ thống an sinh xã hội - một trong những thành tố quan trọng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Với những thành tựu nổi bật cũng như những bài học kinh nghiệm được đúc rút qua 30 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã và sẽ tiếp tục nỗ lực, kiên trì vượt qua khó khăn, thách thức trên chặng đường phát triển của mình để thực hiện sứ mệnh là trụ cột an sinh xã hội, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình…/.
Ước đến ngày 31/12/2024, toàn quốc có 20,11 triệu người tham gia BHXH, tăng 9,2% (1,691 triệu người) so với năm 2023, đạt 41,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện, đạt khoảng 4,5% lực lượng lao động trong độ tuổi do ngành BHXH Việt Nam bền bỉ, liên tục tuyên truyền, vận động là khoảng 2,292 triệu người, đạt 4,8% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng gấp 10,2 lần so với năm 2017, trước khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW). Số người tham gia BHYT là 95,523 triệu người, đạt khoảng 94,2% dân số tham gia BHYT. Số người tham gia BHTN đạt khoảng 16,093 triệu người, tăng 8,8% so với năm 2023, đạt khoảng 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.