Tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong quản lý địa chất, khoáng sản

(BKTO) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Việc xây dựng Dự thảo Luật nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho lĩnh vực này.

14.jpg
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lấy ý kiến nhân dân từ ngày 31/7 đến ngày 01/10/2023. Ảnh minh họa

Nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn

Theo Bộ TNMT, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011), đến nay, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn khó khăn khi thực hiện.

Đơn cử như một số vấn đề về: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công…; khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khai thác khoáng sản chính; kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép; phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản; quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cát, sỏi lòng sông; quy định về khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Bên cạnh đó, quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”. Quy định thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản quy mô rất nhỏ (đá chẻ, đất sét) chưa hợp lý, chưa bảo đảm công khai, minh bạch.

Địa chất là ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp, khoa học về trái đất, khi điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, không chỉ phát hiện khoáng sản mà còn điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa quy định đầy đủ nội dung điều tra cơ bản địa chất; chưa quy định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Ngoài ra, 13 năm qua, nhiều Luật liên quan đến địa chất, khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Theo đó, việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản mới nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập để quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm: 13 chương, 132 điều. Bên cạnh những quy định chung, Dự thảo Luật đề xuất các quy định cụ thể về: Bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; khu vực khoáng sản và quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia…

Cần xem xét lại một số quy định

Góp ý cho Dự thảo Luật, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định cho rằng, về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, Ban soạn thảo cần xem xét, quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc ban hành văn bản để thi hành pháp luật về địa chất, khoáng sản tại địa phương phù hợp với quy định tại Điều 27, Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác cần đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thực tiễn thi hành pháp luật trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản tại địa phương (UBND cấp huyện phải xử lý theo thẩm quyền vụ việc vi phạm trước khi báo cáo, đề xuất UBND cấp tỉnh xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác tài nguyên địa chất, khoáng sản trái phép trên địa bàn).

Cũng theo Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, Ban soạn thảo cần xem xét, quy định loại “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản” nhằm đảm bảo theo quy định tại Phụ lục I - Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia ban hành kèm theo Luật Quy hoạch; đồng thời xem xét, quy định các căn cứ để điều chỉnh quy hoạch khoáng sản phù hợp với quy định tại Điều 53 Luật Quy hoạch, vì đây là quy hoạch cấp quốc gia.

Liên quan đến tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản, Ban soạn thảo cần xem xét lại đối tượng là cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khoáng sản vì Dự thảo Luật không có điều khoản nào quy định cụ thể về đối tượng này (phân loại đối tượng, điều kiện của cá nhân thăm dò khoáng sản). Đồng thời, xem xét, bổ sung quy định về điều kiện của hộ kinh doanh hành nghề thăm dò khoáng sản để địa phương có cơ sở áp dụng thực hiện.

Trường hợp Dự thảo không quy định trực tiếp trong Luật thì có thể giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo nên xem xét lại quyền thế chấp, quyền khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Bởi, nếu tổ chức, cá nhân đã thế chấp quyền khai thác khoáng sản cho ngân hàng thì không thể thực hiện việc thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm về khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý đối với các vấn đề: Xem xét quyền lợi của địa phương và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác; điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản; đối tượng, thời hạn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy mô nhỏ; trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản của UBND các cấp.../.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Bộ TNMT lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật từ ngày 31/7 đến ngày 01/10/2023.

Cùng chuyên mục
  • Hà Tĩnh phát động chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân trên địa bàn tỉnh
    8 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Sáng 25/8, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia tổ chức Lễ phát động chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
  • Tăng cường kiểm tra, giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thái Nguyên
    8 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Nhằm thiết lập hệ thống đánh giá đồng bộ, toàn diện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đồng thời kiểm tra, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát để chương trình phát huy hiệu quả, bền vững.
  • Đa dạng sản phẩm phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền Lạng Sơn tại Hà Nội
    8 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Sáng 24/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn tổ chức “Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền” với chủ đề: Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Phiên chợ chính thức khai mạc tại Khu Hội chợ triển lãm, Giao dịch kinh tế và Thương mại, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
  • Chủ động xây dựng lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, tránh dồn vào cuối năm
    8 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Đây là nội dung trong Thông báo 348/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá - về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.
  • Đề xuất giao 11 doanh nghiệp nghìn tỷ về Ủy ban Quản lý vốn
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Công Thương vừa có văn bản số 5480 gửi Chính phủ về việc giám sát tình hình thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, 11 doanh nghiệp với doanh thu nhiều nghìn tỷ đồng đang được Bộ Công Thương quản lý được đề xuất chuyển nguyên trạng về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC (Ủy ban Quản lý vốn).
Tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong quản lý địa chất, khoáng sản