Xây dựng Dự thảo Nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu phù hợp thực tế, dễ dàng áp dụng
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, Nghị quyết 107 đã đề ra hướng đi mới trong việc bảo vệ nền tài chính quốc gia cũng như tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng giữa bối cảnh tình hình toàn cầu đang có những biến động mạnh mẽ. Theo đó, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là một phần trong cam kết của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) nhằm đảm bảo sự công bằng trong hệ thống thuế quốc tế, ngăn chặn hiện tượng chuyển lợi nhuận và tránh việc thuế bị “hạ thấp” qua các hình thức chuyển nhượng lãi suất, hoặc lợi nhuận giữa các công ty đa quốc gia. Đây là một vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa của các quốc gia mà còn tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp doanh nghiệp (DN), đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Thuế, hiện có 619 tập đoàn đa quốc gia (với khoảng 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam) có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu EUR trở lên. Theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp sơ bộ năm 2022, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu thuế này được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 và nếu Việt Nam quy định chi tiết việc áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có quyền thu toàn bộ phần thuế bổ sung ước tính khoảng trên 14.600 tỷ đồng.
Dự thảo Nghị định gồm 24 điều, quy định giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện đầy đủ các quy định của OECD về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng đối với tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) áp dụng đối với công ty thành viên có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam của Tập đoàn đa quốc gia... Ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh: Nghị định này phải phù hợp với thực tiễn quản lý, tạo môi trường pháp lý rõ ràng và minh bạch, giúp các DN tuân thủ tốt các quy định thuế mới; đồng thời bảo vệ quyền lợi của quốc gia...
TS. Peter Wenzel - Chuyên gia tư vấn chính sách về thuế đại diện Dự án tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam - nhận định, ngay sau khi Nghị quyết 107 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu xây dựng các quy định chi tiết về thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là bước đi chủ động của Việt Nam thể hiện mong muốn hội nhập quốc tế sâu rộng hơn với môi trường kinh tế thế giới. Sự tiếp cận nghiêm túc kinh nghiệm của các tổ chức, quốc gia đã triển khai hệ thống thuế này để nghiên cứu và xây dựng các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ góp phần vào sự thành công của việc áp dụng Nghị quyết 107 vào thực tế Việt Nam.
Tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện Nghị định
Cùng quan điểm trên, bà Hoàng Thị Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu dựa trên các hướng dẫn của quốc tế. Tuy nhiên, theo bà Hồng, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và có thể đối mặt với các thách thức pháp lý và kỹ thuật trong quá trình triển khai. Do đó, để triển khai thu thuế hiệu quả, Việt Nam cần điều chỉnh các quy định về thuế trong nước để phù hợp với các nguyên tắc của thuế tối thiểu toàn cầu và đảm bảo tính nhất quán trong thực thi; đồng thời cần thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá rõ tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với các ngành nghề và nền kinh tế để đưa ra các quyết sách phù hợp.
Bà Hồng góp ý: Đối với những công ty có cam kết đầu tư dài hạn và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững có thể xem xét các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ DN trong khuôn khổ phù hợp với quy định quốc tế. Cơ quan quản lý thuế cần cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật để các DN tuân thủ đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi và điều chỉnh; tăng cường năng lực quản lý thuế thông qua đào tạo cán bộ thuế, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại và xây dựng các công cụ quản lý rủi ro để giám sát và thu thập thuế từ các công ty đa quốc gia một cách hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế và hợp tác với OECD cũng như các nước khác để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong quản lý thuế xuyên quốc gia; thiết lập các cơ chế rõ ràng để giải quyết tranh chấp liên quan đến thuế tối thiểu, đảm bảo minh bạch và công bằng cho các DN...
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH kiểm toán Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn cho biết, cộng đồng DN mong muốn Nghị định được ban hành ngay trong năm 2024 để hướng dẫn xử lý, tổng hợp số liệu tính toán các khoản thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn. Còn bà Đồng Thị Hạnh - đại diện Công ty Samsung Electronics – cho rằng, việc thảo luận về các chuẩn mực kế toán theo quy định mẫu về thuế tối thiểu toàn cầu để thực thi trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Bộ Tài chính cần sớm ban hành chính sách phù hợp và hướng dẫn đồng bộ, cũng như đào tạo cho DN về việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, theo lộ trình, Nghị định sẽ được ban hành cuối tháng 10/2024 nhưng do tính chất phức tạp, phải viện dẫn nhiều khái niệm, quy định quốc tế và chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên Bộ Tài chính vẫn đang lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành và cộng đồng DN để hoàn thiện với kỳ vọng khi được ban hành Nghị định sẽ không có vướng mắc trong quá trình thực thi./.