Tại Hội nghị, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối CTNTM Trung ương (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020). Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.
Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so với cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
Hiện có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Cả nước đã đánh giá, phân hạng được 9.852 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Theo ông Sơn, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến nay là hơn 1,75 triệu tỷ đồng.
Qua triển khai thực hiện, Chương trình đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, với hạ tầng giao thông được đầu tư, hiện đại hóa.
Nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định; hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng...
“Một kết quả quan trọng là đã góp phần tạo ra những thay đổi thiết thực trong đời sống của người dân, với nguồn thu nhập của các hộ dân không ngừng được cải thiện” - ông Sơn nhấn mạnh.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 46,3 triệu đồng/người/năm. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hộ được đảm bảo và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 khoảng 5,4%, giảm 1,7% so năm 2020. Môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được ổn định.
Theo Văn phòng Điều phối CTNTM Trung ương, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước có khoảng từ 17-19 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng nêu những khó khăn, hạn chế trong xây dựng NTM như: hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành; cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên cũng ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai thực hiện chương trình ở cơ sở; tác động của chương trình đến đời sống của người dân giữa các vùng miền, khu vực còn khác nhau…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: CTNTM không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là chương trình đa mục tiêu nhằm xây dựng NTM ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Trong đó, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP" cũng là để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng NTM hiệu quả, thực chất.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực xây dựng NTM, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, đồng thời xây dựng những vùng nông thôn giữ được nét đặc trưng của địa phương, kéo giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, địa phương trong xây dựng NTM phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.
Đồng thời tiếp tục triển khai giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Chương trình, quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch, tăng cường các hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung liên quan đến những vấn đề cấp thiết của Chương trình../.