
Giải quyết vướng mắc về kinh phí phát triển nhà ở xã hội
Chiều 25/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NOXH).
Theo đó, một trong những chính sách được Chính phủ đề xuất là thành lập Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia.
Báo cáo về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc thành lập quỹ phát triển nhà ở không phải là nội dung mới mà đã được quy định tại Luật Nhà ở năm 2005. Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014, hiện nay, cả nước có một số quỹ phát triển nhà ở như: Quỹ Phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh, Quỹ Phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương, Quỹ Phát triển nhà ở tỉnh Đồng Nai, Quỹ Phát triển nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,...
Tuy nhiên, do nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở còn hạn chế, nên hầu hết quỹ phát triển nhà ở địa phương đã sáp nhập vào quỹ đầu tư phát triển địa phương. Một số quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng đang triển khai đầu tư xây dụng, ngoài Quỹ phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh, còn có 04 Quỹ có hoạt động đầu tư trực tiếp NOXH: Lào Cai, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk với tổng mức đầu tư 743 tỷ đồng và cung cấp 1.345 căn hộ NOXH... Tuy nhiên, các Quỹ phát triển địa phương này đều đang gặp khó khăn trong hoạt động do không được cấp bổ sung vốn, dẫn đến khó có thể cung cấp vốn ưu đãi để phát triển NOXH dài hạn, bền vững.
Khó khăn khác được lãnh đạo Bộ Xây dựng chỉ ra, đó là Luật Nhà ở năm 2023 đã có quy định về việc sử dụng nguồn vốn từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác để phát triển NOXH. Tuy nhiên, các quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện nay đang thực hiện nhiều chức năng và việc đầu tư hoặc hỗ trợ cho phát triển NOXH không phải là lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của các quỹ này.
Bên cạnh đó, hiện nay một số dự án NOXH còn vướng mắc trong việc bố trí kinh phí để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài phạm vi dự án; hỗ trợ với các dự án NOXH cho thuê, thuê mua; hỗ trợ lãi suất cho vay không yêu cầu thế chấp nhưng chưa được hỗ trợ các kinh phí này cũng dẫn đến việc phát triển NOXH chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra.
Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cấp và nguồn hợp pháp khác để giải quyết các vướng mắc, tạo nguồn vốn bền vững, dài hạn cho phát triển NOXH là cần thiết - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Quỹ cần mang tính chất là quỹ đầu tư
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia. Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi không trùng với nhiệm vụ chi của NSNN, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Ý kiến của Cơ quan thẩm tra cũng là quan điểm của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia không phải là quỹ ngoài ngân sách mà phải ở tầm vóc cao hơn. Theo đó, Quỹ cần mang tính chất của một quỹ đầu tư, còn nếu chỉ dựa vào hỗ trợ ngân sách thì sẽ phải hỗ trợ liên tục, các nguồn khác cũng không thể đáp ứng được và việc thực hiện mục tiêu mọi người có nhà ở sẽ khó khăn.
“Quỹ này cần mang tính chất đầu tư, Nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ như về đất đai, người có thu nhập có thể tham gia đầu tư vào đây, đến thời gian nào đó có thể nhận được nhà. Cách làm như vậy cũng tránh việc hiện nay người dân muốn mua nhà thì phải đi vay. Còn nếu thiên về chính sách xã hội thì chỉ được được một thời gian, về lâu dài không bền vững” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thì cho rằng, lâu nay các quỹ tài chính ngoài ngân sách thường trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nên dễ “đánh bùn sang ao”. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ Phát triển nhà ở Quốc gia để giao Chính phủ quy định chi tiết.
Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, NOXH chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện bằng nguồn vốn đi vay, người mua NOXH cũng vay để mua. Điều này chưa thể hiện được vai trò của Nhà nước trong thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng này. Vì vậy, Chỉ thị số 34-CT/TW đã quy định về thành lập Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia để đảm bảo thực hiện chính sách NOXH bền vững.
Việc tạo lập Quỹ chủ yếu thông qua các nguồn: tiền thu được từ quỹ đất 20% mà chủ đầu tư không xây NOXH, nguồn thu này lâu nay địa phương hòa nhập vào ngân sách mà không chi phát triển NOXH; NSNN và nguồn khác.
Về mô hình, Quỹ sẽ được tổ chức 2 cấp ở Trung ương và địa phương. Trong đó địa phương dùng nguồn thu từ quỹ đất 20% để phục vụ giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; còn cấp Trung ương hỗ trợ chủ đầu tư và đối tượng mua nhà vay với lãi suất ưu đãi.
Điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ làm rõ trong Nghị quyết của Quốc hội quy định rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ, làm rõ nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng lặp với nhiệm vụ chi NSNN, bảo đảm chặt chẽ, khả thi; tham khảo kinh nghiệm của các nước để làm sao huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia có hiệu quả vào Quỹ này.