Tạo thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Thực tiễn cho thấy, việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Vì vậy, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, giúp người lao động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

danh-gia-chung-chi.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã hình thành…

Hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trước đây được quy định tại Luật Dạy nghề năm 2006. Hiện nay, các quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại Chương IV Luật Việc làm, gồm 7 Điều.

Các quy định này đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan, phù hợp với các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, Việt Nam đã bước đầu hợp tác quốc tế trong việc chuẩn hóa chất lượng lao động trên cơ sở phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Đây là cơ hội, tiền đề hỗ trợ người lao động trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Đến nay, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với 5 bậc đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc tham chiếu với khung trình độ quốc gia Việt Nam, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới.

Việt Nam đã tổ chức xây dựng, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung và thẩm định, công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 199 nghề, trong đó có 40 nghề được xây dựng mới hoặc cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung theo quy định của Luật Việc làm.

7/8 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với những công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được công bố. Trên cơ sở đó, khoảng 50 nghìn lao động thuộc các nghề trong lĩnh vực mỏ, hầm lò đã được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn lao động.

Việt Nam cũng đã hình thành hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gồm 52 tổ chức đánh giá; đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng cho trên 80 nghìn người lao động, học sinh, sinh viên theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Đồng thời, xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và tổ chức đào tạo, cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia cho gần 2.000 người; ban hành 92 ngân hàng câu hỏi lý thuyết và đề thi thực hành kỹ năng nghề quốc gia của 92 nghề, trong đó có 22 nghề được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới theo quy định của Luật Việc làm.

… nhưng vẫn thiếu nhiều điều kiện để phát triển

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa gắn kết với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề, chính sách phát triển kỹ năng nghề và giúp người lao động hoàn thiện năng lực nghề nghiệp bản thân.

Hoạt động này cũng chưa thu hút được sự tham gia mạnh mẽ của người lao động, các cơ sở giáo dục đào tạo, người sử dụng lao động. Số lượng các nghề được ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề còn hạn chế. 

Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được kiện toàn, quy mô còn nhỏ, đội ngũ đánh giá viên còn thiếu. Nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa đảm bảo.

Nhiều nghề đã có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nhưng chưa được tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ cho người lao động. Hiện nay, toàn quốc chưa có nghề nào được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc 4 và 5.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp.

Hành lang pháp lý để đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã có nhưng vẫn chưa đầy đủ, toàn diện, còn thiếu các quy định về: Chế độ ưu tiên tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm cho những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; phát triển kỹ năng nghề, Hội đồng kỹ năng nghề; nguồn lực trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và phát triển hệ thống.

Một số cơ chế, chính sách vẫn chưa có như cơ chế khuyến khích người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hay cơ chế hỗ trợ đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo...

Bên cạnh đó, trong Luật Việc làm, quy định về khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia tại khoản 1 Điều 32 chưa cụ thể, ảnh hưởng đến tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện chính sách; quy định tại khoản 2 Điều 32 chưa tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Cụ thể hóa, bổ sung nhiều quy định

Để khắc phục những bất cập trên, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề, Hội đồng kỹ năng nghề và sửa tên chương thành “Phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”; bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, quy định tham chiếu, kết nối khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

Để tạo thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cụ thể hóa các quy định về điều kiện, tổ chức và hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Đồng thời, bổ sung một loạt các quy định về: Ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công đối với lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; chính sách tôn vinh người lao động có trình độ kỹ năng nghề xuất sắc; chính sách thu hút, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; các đối tượng và một số ngành, nghề đặc thù (kinh tế xanh, kinh tế số, nguy hiểm, độc hại …) được hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề và tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề nhằm đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động này.

Theo các chuyên gia, việc cụ thể hóa, bổ sung một loạt các quy định nêu trên vào Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội./.

Cùng chuyên mục
Tạo thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia