Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá, bổ sung của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: TS
Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2014, trong bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, phức tạp, song kinh tế - xã hội của đất nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng GDP cao hơn hai năm trước, với mức tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua; kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD. Trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Những tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP quý I/2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo có sự chuyển biến khá tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 4 tháng đầu năm tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Trong 4 tháng đầu năm, có 28.235 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 162.500 tỷ đồng, tăng 9,7% về số DN và tăng 13,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số DN trước gặp khó khăn, ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động là 6.316 DN, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những DN đang gặp khó khăn. Cùng với đó, công tác sắp xếp, tái cơ cấu DNNN tiếp tục được đẩy mạnh; hệ thống ngân hàng tiếp tục được tái cơ cấu với 4 ngân hàng được sắp xếp lại, thanh khoản được cải thiện, nợ xấu được xử lý. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 2/2015 giảm còn 3,59%.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả, chuyển biến tích cực, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những khó khăn đối với phát triển kinh tế còn rất lớn; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp, sẽ là thách thức rất lớn đối với nước ta khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay.
Cùng với đó là những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm. Các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư còn chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sản xuất kinh doanh của nhiều DN còn khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng 4,5% (so với cùng kỳ 2014). Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phục hồi chậm…
Trước những khó khăn, thách thức trên, trong những tháng còn lại của năm 2015, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó Chính phủ sẽ tập trung vào các giải pháp như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, DN, của nền kinh tế; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước; phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng... Với những giải pháp đồng bộ trên, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu cả năm đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 15% - 17%, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015.
4 tháng đầu năm 2015: Thu NSNN đạt khá
Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 238,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4% dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 14,5%), đạt khá cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô đạt 23 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7%, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm 2014. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29,4% dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2014.Mặc dù thu từ dầu thô đạt thấp (giảm 32,6% so với cùng kỳ do giá dầu giảm mạnh) nhưng tiến độ thu NSNN 4 tháng đầu năm vẫn đạt khá.
Tổng chi NSNN 4 tháng ước đạt 362,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31,6% dự toán, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 28,9% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2014; Chi trả nợ và viện trợ đạt 35,1% dự toán, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2014; Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 32,7% dự toán, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
NGUYỄN HỒNG