Tập trung hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác 2016

(BKTO) - Ngày 30/01, dưới sự chủ trì của Tổng Kiểmtoán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, KTNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chươngtrình công tác năm 2016 và tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống thamnhũng. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy banTài chính - Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinhtế của Quốc hội; đại diện một số cơ quan của Đảng, Quốc hội và một số Bộ, ngành.Về phía KTNN, dự Hội nghị có các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạocác đơn vị trực thuộc KTNN...




Tổng KTNN trao Cờ thi đua của KTNN cho các đơn vị dẫn đầu. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 2015

Báo cáo tổng kết công tác 2015 của KTNN do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành trình bày nhấn mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi, toàn diện kế hoạch công tác, đảm bảo chất lượng, tiến độ và đổi mới trên nhiều lĩnh vực.

Trong công tác kiểm toán, tất cả 210 cuộc kiểm toán trong Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2015 đã bám sát yêu cầu hoạt động giám sát của Quốc hội; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đồng thời, KTNN đã tăng cường loại hình kiểm toán hoạt động với 08 cuộc kiểm toán độc lập; đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá sâu sắc hơn quá trình tổ chức, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Kết quả, tính đến 25/01/2016, Lãnh đạo KTNN đã xét duyệt 286/291 Báo cáo kiểm toán (BCKT); ký phát hành 211/291 BCKT. Tổng hợp sơ bộ, KTNN đã kiến nghị xử lý về tài chính 12.183 tỷ đồng (tăng thu 3.345 tỷ đồng, giảm chi 4.569 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 4.269 tỷ đồng) và đưa ra nhiều phát hiện kiểm toán quan trọng.

Trong năm qua, toàn ngành đã đảm bảo tiến độ và chất lượng kế hoạch xây dựng, triển khai nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật, trong đó trọng tâm là Luật KTNN (sửa đổi). Công tác kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, trả lời văn bản kiến nghị, khiếu nại tiếp tục được đổi mới. Trên các lĩnh vực tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, tuyên truyền, thi đua khen thưởng… đều đạt được những kết quả khả quan. Nhiều đơn vị đã có những giải pháp đột phá, quyết liệt để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tham luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành và khu vực đã góp phần làm rõ thêm kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành năm 2015, nhận định về những thuận lợi, khó khăn trong triển khai công tác 2016 và cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ghi nhận những thành tích của các đơn vị trong năm 2015, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ thi đua và Bằng khen cho 4 tập thể, 16 cá nhân. Ngày 16/01/2016, Hội đồng Thi đua khen thưởng của KTNN đã thống nhất tiếp tục đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho 3 tập thể, 24 cá nhân. Tại Hội nghị, lãnh đạo KTNN cũng đã trao Cờ thi đua, Bằng khen của Tổng Kiểm toán Nhà nước cho 20 tập thể cấp vụ, 10 tập thể phòng và 70 cá nhân…

Những định hướng cụ thể nhiệm vụ 2016

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, năm 2016 là năm khởi đầu quan trọng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của đất nước và cũng là năm đầu tiên Luật KTNN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN xác định: “Tiếp tục triển khai đồng bộ 08 mục đích của Kế hoạch Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, trong đó: Tập trung tổ chức triển khai Luật KTNN (sửa đổi); đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ công chức; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán, tạo ra khí thế đổi mới trong toàn bộ hoạt động của KTNN; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng KHKT và KSCLKT; quyết liệt cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán”.

Cụ thể hóa định hướng này, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện đồng bộ 9 nhiệm vụ và 9 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, KTNN xác định nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thực hiện 182 cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2016 trên tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán trên cả 3 mặt năng lực, hiệu lực và hiệu quả. Lãnh đạo KTNN chỉ đạo các đơn vị tập trung kiểm toán xác nhận tính đúng đắn, trung thực của 64 báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015 tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và 04 chuyên đề liên quan trực tiếp đến tái cơ cấu nền kinh tế nhằm phục vụ việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của HĐND các tỉnh, thành phố và Quốc hội, cung cấp thông tin toàn diện, sâu sắc về các chủ đề được lựa chọn kiểm toán cho cả giai đoạn 2011-2015; triển khai kiểm toán hoạt động tại 13 đầu mối cấp huyện nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong điều hành ngân sách. Đồng thời, tổ chức kiểm soát toàn diện tất cả các cuộc kiểm toán thuộc KHKT 2016 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quy chế KSCLKT đã ban hành; chú trọng kiểm soát các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, NSĐP và kiểm toán chuyên đề. Bên cạnh đó, KTNN sẽ tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Với nhiệm vụ then chốt là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, KTNN sẽ triển khai có hiệu quả Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức năm 2016 đồng bộ với KHKT; tập trung kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực cho Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán. Tiếp tục triển khai Luật KTNN (sửa đổi), KTNN đã có kế hoạch xây dựng 28 văn bản quy phạm pháp luật liên quan và 08 văn bản quản lý; ban hành 40 Chuẩn mực KTNN và từng bước hướng dẫn thực hiện; kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy; hoàn thiện các đề án liên quan đến tổ chức, biên chế, vị trí việc làm, quy hoạch cán bộ, cơ cấu ngạch công chức của KTNN; triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2016; thực hiện hiệu quả Kế hoạch đối ngoại nhằm củng cố, phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác.

Đề cập đến những giải pháp trọng tâm năm 2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, KTNN sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác quản lý điều hành của Chính phủ để triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2016; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán. Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu toàn ngành coi trọng và thực hiện đồng bộ các giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với nắm bắt tình hình, theo dõi, kiểm tra và giám sát ở tất cả các cấp quản lý…

Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2016 của KTNN rất nặng nề với yêu cầu chất lượng ngày càng cao, đòi hỏi toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo chung sức hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng: Năm 2016, có 5 vấn đề rất mong KTNN quan tâm

Nhìn lại năm 2015, thành tựu lớn nhất của KTNN là đã cùng với các cơ quan của Quốc hội xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật KTNN (sửa đổi). Cùng với đó, các nội dung chuyên môn vẫn được duy trì và thực hiện tốt.

Về thực hiện nhiệm vụ năm 2016, có 5 vấn đề tôi rất mong KTNN quan tâm. Thứ nhất, năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015), vì vậy, KTNN phải tập trung đánh giá chính sách tài khóa năm 2015 và cả giai đoạn; đánh giá tổng thể chính sách thu, chi và điều hành NSNN 5 năm qua, nhất là chính sách chi đầu tư, chi thường xuyên; sự phối hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để làm cơ sở ban hành chính sách tài khóa 2016 và giai đoạn 2016-2020. Đây là nội dung hết sức quan trọng của KTNN trong công tác năm 2016!

Thứ hai, tăng cường kiểm toán các khoản thu, chi lớn của NSNN để trên cơ sở đó có thêm những căn cứ tổng kết, đánh giá hiệu quả của các công trình, các chương trình. Trong thời gian vừa qua, KTNN đã triển khai kiểm toán rất nhanh, kịp thời Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để làm căn cứ báo cáo trước Quốc hội. Tôi cho rằng trong năm tới, công tác kiểm tra đánh giá các chương trình trong đó có chương trình nông thôn mới là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó là vấn đề nợ công, nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, trong đó có nợ xây dựng cơ bản…

Thứ ba, KTNN phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra các cấp trong triển khai công tác để giảm sự chồng chéo. Quan điểm của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là luôn ưu tiên cho công tác kiểm toán của KTNN. Vì vậy, KTNN có sự chủ động, song cũng phải phối hợp để có điều kiện tốt nhất trong hoạt động kiểm toán.


Thứ tư, KTNN cần tiếp tục đổi mới và tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Thứ năm, các đơn vị trong ngành phải tăng cường hơn nữa công tác tổ chức, chăm lo bồi dưỡng cán bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm toán. Về việc sửa đổi chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức KTNN theo Luật KTNN (sửa đổi), Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ sát cánh cùng với KTNN, cùng Chính phủ để làm tốt công tác thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong thời gian sớm nhất.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm, nỗ lực cao, 9 nhiệm vụ trọng tâm và 9 giải pháp trong công tác năm 2016 đã đề ra của KTNN sẽ sớm trở thành hiện thực. Chúc các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016!

NHÓM PV
Cùng chuyên mục
Tập trung hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác 2016