Tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt bằng và vốn cho các dự án cải tạo trường học, y tế, tôn tạo di tích

(BKTO) - Giai đoạn 2021-2023, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành 342 dự án đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích, dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành thêm 426 dự án.

ttxvn_chuan_quoc_gia.jpg
Thành phố Hà Nội đang nỗ lực đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông. Ảnh: TTXVN

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hiện nay, toàn Thành phố có 1.424 dự án thuộc 3 lĩnh vực đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. Các dự án này được ngân sách Thành phố hỗ trợ hơn 45.191 tỷ đồng (không bao gồm 16 dự án trường THPT do ngân sách cấp huyện bố trí 100% vốn và 4 dự án xã hội hóa đầu tư). Trong đó, cấp Thành phố có 104 dự án với 11.474,3 tỷ đồng; cấp huyện có 1.320 dự án với 33.716 tỷ đồng.

Tính đến tháng 4/2024, Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.357 dự án, đạt 93,97%; đã phê duyệt 1.211 dự án, đạt 83,86%; khởi công và triển khai xây dựng 844 dự án. Tính chung, giai đoạn 2021-2023, Thành phố hoàn thành 342 dự án, dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành 426 dự án.

Đối với riêng trường học, theo thống kê, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Thành phố đạt 80%. UBND Thành phố đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, đôn đốc các đơn vị thực hiện và có kế hoạch công nhận lại trường chuẩn trong giai đoạn 2024-2025. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn do số lượng học sinh tăng nhanh, trong khi hạ tầng trường lớp đáp ứng không kịp.

Cùng với đó, các đơn vị cũng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án mới xây dựng trường học; một số huyện khó khăn vốn đối ứng dẫn đến dự án chậm tiến độ. Ngoài ra, quy hoạch về trường học cần cân đối quy hoạch dự án trường công lập và dân lập, tránh tình trạng trường dân lập nhiều hơn công lập, điều kiện theo học của con em khó khăn do phí cao.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của Thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các thành viên trong Ban và sở, ngành, địa phương tập trung triển khai đạt hiệu quả, chất lượng các dự án công trình; tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, vốn để công trình không dàn trải; đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể cho từng khó khăn, vướng mắc hiện tại để Ban Chỉ đạo chỉ đạo thực hiện.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương để rà soát các dự án, nếu dự án chậm triển khai thì có hướng điều chuyển vốn cho các dự án khác. Đặc biệt, rà soát vướng mắc, tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị đôn đốc, triển khai các công việc liên quan đến cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia; phê duyệt phòng cháy chữa cháy của các dự án; bảo đảm chỉ tiêu về giường bệnh (đội ngũ cán bộ, nhân viên vận hành, thiết bị bệnh viện); đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện huyện Mỹ Đức, Mê Linh, Bệnh viện Nhi cơ sở 2.

Cùng chuyên mục
Tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt bằng và vốn cho các dự án cải tạo trường học, y tế, tôn tạo di tích