(BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều hộ nghèo không thoát được nghèo, thậm chí tái nghèo. Giảm nghèo bền vững đang đứng trước rất nhiều thách thức.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Nghèo thoáng qua gia tăng cả ở đô thị và nông thôn

Theo Báo cáo nghèo đa chiều 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tăng từ 5,2% (năm 2020) lên 9,35% (năm 2022).

Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo nhất thời về thu nhập đã tăng vọt từ 3,85% vào quý I/2020 lên 10,59% trong quý III/2021. Tương ứng số lượng người nghèo về thu nhập đã tăng thêm khoảng 6,6 triệu người.

TS. Nguyễn Thắng - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thành viên Nhóm tác giả soạn thảo Báo cáo - cho biết: Tình trạng nghèo về thu nhập thoáng qua đã tăng lên đáng kể trong đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với người di cư và nhóm dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ nghèo đói giảm trên diện rộng nhưng vẫn còn cao ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, tỷ lệ nghèo đa chiều của dân tộc H’Mông vẫn ở mức cao 45,1% vào năm 2020, mặc dù đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2012-2020.

Ngoài ra, có tới 1/5 người Khmer, Dao và các đồng bào dân tộc thiểu số khác thuộc diện nghèo đa chiều trong năm 2020.

Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ nghèo thu nhập ở khu vực đô thị tăng mạnh trong quý III/2021. Nguyên nhân là do phong tỏa kéo dài được thực hiện tại nhiều đô thị lớn. Bên cạnh đó, chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục đang gia tăng nhưng bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và thiết bị vẫn là một thách thức.

Liên quan đến những thách thức giảm nghèo bền vững hiện nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Giảm nghèo đa chiều được áp dụng góp phần đo lường tốt hơn trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, nhất là vùng dân tộc; cải thiện tốt vấn đề kinh tế, giáo dục, phát triển xã hội ở đồng bào dân tộc.

Tuy vậy, vấn đề nghèo thu nhập lại có dấu hiệu tăng lên đáng kể trong đại dịch Covid-19, đặc biệt với nhóm di cư và dân tộc thiểu số.

Thực hiện hiệu quả nguồn lực để giảm nghèo

Theo các chuyên gia, giảm nghèo bền vững đang đứng trước rất nhiều thách thức, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch. Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng những tác động của nó đến nền kinh tế vẫn vô cùng lớn. Chính vì vậy, để triển khai giảm nghèo bền vững, cần thực hiện các giải pháp tổng thể và toàn diện nhằm thúc đẩy việc làm có năng suất, cung cấp dịch vụ xã hội và mở rộng diện bao phủ cũng như nâng cao chất lượng của hệ thống an sinh xã hội dành cho tất cả mọi người.

Thực tế hiện nay cho thấy, tỷ lệ lao động phi chính thức cao. Thách thức do thiên tai, dịch bệnh khiến tỷ lệ lao động phi chính thức giảm chậm, chỉ 2 điểm % trong 5 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc còn một lượng lớn lao động yếu thế, dễ bị tổn thương.

“Bộ phận lớn các lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội, về già không có thu nhập, tạo gánh nặng cho an sinh. Đây là thách thức làm chuyển đổi nghèo từ hiện tại sang tương lai, đòi hỏi phải có giải pháp để chính thức hóa việc làm cho nhóm này” - TS. Nguyễn Thắng khuyến nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí tối thiểu 75 nghìn tỷ đồng.

Về giao vốn thực hiện Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ LĐTBXH đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về phạm vi, đối tượng phân bổ vốn của các dự án thành phần thuộc Chương trình, làm cơ sở cho các địa phương tiến hành các thủ tục giao vốn thực hiện Chương trình.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo và công tác giảm nghèo. Chính vì vậy, cần phải triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo nhằm tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

“Chính sách hỗ trợ được triển khai đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực không bị giãn cách xã hội, góp phần giải quyết những khó khăn, tác động của đại dịch Covid-19…” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh./.
THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
Thách thức giảm nghèo