Thái Bình: Sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất

(BKTO) - Ngày 04/12, tại thành phố Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình tổ chức Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề “Sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp”.

Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ước tính có khoảng 45 triệu tấn rơm khô, 8 triệu tấn trấu, 30-50 triệu tấn phế thải thực vật từ lạc, ngô, đậu tương, sắn, cà phê… Các phụ phẩm này có tới 61% là hữu cơ có thể tái chế được; đồng thời, đều chứa lượng dinh dưỡng rất tốt có thể hoàn trả, cải tạo, bồi dưỡng lại cho đất.

tin6208390804062024-17333044470112080683010.jpg
Việc tận dụng rơm, rạ làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp khác giúp phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Tại Thái Bình, từ các mô hình liên kết phát triển sinh thái kinh tế tuần hoàn đơn giản như vườn - ao - chuồng (VAC), những năm gần đây, người dân đã cải tiến đề phù hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, tiêu biểu như mô hình VAC - biogas. Mô hình này được nhiều gia đình, chủ trang trại, gia trại áp dụng trong quá trình sản xuất. Toàn tỉnh có khoảng 200ha đất canh tác theo hướng thuận thiên có giá trị kinh tế cao, tạo sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học. Với diện tích lúa trên 150.000ha, sản sinh ra trên 900 tấn rơm rạ, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh vào xử lý rơm rạ đã và đang được triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh.

Cùng với đó, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình đã triển khai mô hình trồng nấm sử dụng hiệu quả nguồn rơm rạ sau thu hoạch và ứng dụng hệ thống tưới thông minh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có trên 18.000 công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Nhiều trang trại chăn nuôi có quy mô lớn đã sử dụng các công trình biogas loại lớn lắp đặt liên hoàn hoặc xây dựng hồ khí sinh học. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 9 mô hình, dự án xử lý môi trường chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò quy mô nông hộ sử dụng đệm lót sinh học…

img2998-1733308618485564445182.jpg
Mô hình trồng nấm sạch từ "phế phụ phẩm" rơm rạ ở Thái Bình

Tại diễn đàn, các đại biểu, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân đã chia sẻ những kinh nghiệm về sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất, giải pháp đưa phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn tài nguyên tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Bởi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình sản xuất tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu rác thải và tái sử dụng phụ phẩm để tạo ra giá trị mới, trong đó, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học và công nghệ hóa lý.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình tiếp tục chỉ đạo triển khai các mô hình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức tập huấn đào tạo cho các HTX, hộ nông dân ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái./.

Cùng chuyên mục
Thái Bình: Sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất