Thái Lan: Cơ quan Kiểm toán tối cao giữ vai trò quan trọng trong kiểm toán dấu chân carbon

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) Thái Lan vừa qua công bố báo cáo thể hiện quan điểm về công tác kiểm toán dấu chân carbon, nhấn mạnh vai trò của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) với tư cách là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.

Kiểm toán dấu chân carbon - nhiệm vụ quan trọng của SAI

Dấu chân carbon là tổng lượng khí nhà kính thải ra từ hoạt động của con người, có tác động mạnh mẽ tới môi trường. Sự tích tụ khí nhà kính trong khí quyển gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, dẫn đến biến đổi khí hậu, gây ra một loạt các vấn đề về môi trường.

Biến đổi khí hậu gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng, có thể phá hủy cơ sở hạ tầng, giảm sản lượng nông nghiệp do thời tiết thay đổi và làm tăng chi phí dịch vụ y tế. Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự di dời của các cộng đồng, đặc biệt ở khu vực ven biển hoặc khu vực thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan...

7h2a4271-1000x713-1.jpg
Các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến vấn đề dấu chân carbon. Ảnh: ST

KTNN Thái Lan cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra, do đó, các SAI, đặc biệt là kiểm toán viên kiểm toán hoạt động, ngày càng chú trọng nhiệm vụ theo dõi tình hình phát thải carbon trong các tổ chức của Chính phủ.

Các SAI cần theo dõi và truy vết dấu chân carbon trong các hoạt động của Chính phủ vì trách nhiệm giải trình. SAI có nhiệm vụ đảm bảo Chính phủ phải chịu trách nhiệm về các cam kết môi trường. Bằng cách theo dõi và truy vết dấu chân carbon, SAI có thể xác định liệu các Chính phủ có tuân thủ cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính không. Công chúng cần được biết về tác động môi trường từ các hoạt động của Chính phủ, do đó SAI cần công khai tình trạng dấu chân carbon từ các hoạt động của các tổ chức công.

Bên cạnh đó, bằng cách theo dõi lượng khí thải carbon, SAI có thể cung cấp thông tin về những lĩnh vực, hoạt động sử dụng nhiều carbon nhất. Đây là những thông tin rất quý giá đối với nhà hoạch định chính sách khi xây dựng các chiến lược giảm thiểu phát thải. Việc giảm thiểu lượng khí thải carbon của một quốc gia có thể giúp tiết kiệm tài chính, bằng cách gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng sạch, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. SAI có thể nêu bật những khoản tiết kiệm tiềm năng này, đảm bảo sự phù hợp với các mục tiêu về môi trường và kinh tế.

Đối với kiểm toán viên, việc theo dõi và truy vết dấu chân carbon rất quan trọng vì nhiều Chính phủ đã cam kết trung thành với các thỏa thuận về khí hậu toàn cầu nhằm giảm thiểu khí thải. Các sáng kiến về giảm lượng khí thải mang lại lợi ích kinh tế lớn nhờ tiết kiệm năng lượng và ít phụ thuộc hơn vào các nhiên liệu hóa thạch. Kiểm toán viên là những người góp phần đảm bảo những cam kết này có thể thực hiện được, đảm bảo phát triển kinh tế gắn chặt với hành động bảo vệ môi trường, từ đó bảo vệ phúc lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Củng cố, nâng cao trách nhiệm của SAI

Ngoài khí thải, kiểm toán viên còn đánh giá tính hiệu quả của các chiến lược giảm nhẹ, từ các dự án trồng rừng đến đầu tư vào năng lượng tái tạo. KTNN Thái Lan chia sẻ, để theo dõi và truy vết dấu chân carbon, cách thức thực hiện của kiểm toán viên có thể gồm 4 quá trình chính.

Đầu tiên, kiểm toán viên cần thu thập dữ liệu về các hoạt động của Chính phủ góp phần tạo ra lượng khí thải carbon, hồ sơ tiêu thụ nhiên liệu của các phương tiện, việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà công...

Thứ hai là sử dụng công cụ phân tích, thực hiện các bước so sánh. Bằng cách so sánh lượng khí thải carbon của các tổ chức công với lượng khí thải carbon của các đơn vị tương tự hoặc so sánh các hồ sơ trước đây, kiểm toán viên có thể xác định tính hiệu quả của các sáng kiến giảm phát thải.

Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên cần huy động sự tham gia của các bên liên quan. Việc thu hút sự tham gia của các chuyên gia môi trường, tổ chức phi chính phủ và công chúng có thể giúp kiểm toán viên có cái nhìn toàn diện về tác động môi trường từ các hoạt động của tổ chức công.

Cuối cùng là thực hiện báo cáo và đưa ra kiến nghị. Sau khi hoàn thành cuộc kiểm toán, phát hiện kiểm toán sẽ được ghi nhận trong các báo cáo chi tiết. Những báo cáo này không chỉ nêu bật những lĩnh vực cần quan tâm mà còn đưa ra các kiến nghị để cải thiện, đảm bảo các Chính phủ đi theo con đường phát triển bền vững.

KTNN Thái Lan nhấn mạnh, với vai trò là đơn vị đi đầu về trách nhiệm giải trình trước công chúng, các SAI cần củng cố, nâng cao trách nhiệm của đơn vị và của kiểm toán viên. SAI cần gánh vác thêm nhiều trách nhiệm mới và quan trọng hơn trong bối cảnh các quốc gia toàn cầu ngày càng nâng cao trách nhiệm với hệ sinh thái chung. Nhờ việc theo dõi và truy vết dấu chân carbon từ các hoạt động của Chính phủ, SAI có thể đóng góp lớn trong việc đảm bảo một tương lai bền vững cả về khía cạnh môi trường và kinh tế./.

(Theo KTNN Thái Lan)

Theo: KTNN Thái Lan
Copy Link
Cùng chuyên mục
Thái Lan: Cơ quan Kiểm toán tối cao giữ vai trò quan trọng trong kiểm toán dấu chân carbon