
Triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp
Năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 104,1 nghìn tỷ đồng, đáp ứng nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 10,5% trở lên.
Thái Nguyên đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2025 đạt 104,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 13,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 13% tổng số vốn; khu vực ngoài Nhà nước đạt 38,21 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng số vốn; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 39,37 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng số vốn; khu vực dân cư đạt 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng số vốn.
Để đạt mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND yêu cầu Thủ tưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là: Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đảm bảo tính chủ động, quyết liệt, kịp thời, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động phân tích, dự báo, phản ứng kịp thời với các khó khăn, thách thức từ bên ngoài và các vấn đề phát sinh; tăng cường tần suất đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thông suốt, minh bạch cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, không gián đoạn công tác quản lý nhà nước trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy, đơn vị hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong quý II/2025; phấn đấu sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực hạ tầng quan trọng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án.
Tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách; đồng thời kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài, nguy cơ gây lãng phí nguồn lực tài nguyên, đất đai,... khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.
Tập trung thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao. Xây dựng và triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình, đề án huy động nguồn lực trong các lĩnh vực mới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để gia tăng năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư từ dân cư.
.jpg)
Cần sự vào cuộc của các sở, ban, ngành
Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng kịch bản, mục tiêu vốn đầu tư phát triển theo từng quý đối với từng khu vực kinh tế, phù hợp với kịch bản tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành, địa phương chủ động cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác, giải pháp cụ thể, chi tiết để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ cách làm, rõ kinh phí”. Xây dựng danh mục các dự án có quy mô vốn lớn để tập trung theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ chủ đầu tư, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa dự án vào hoạt động, tạo năng lực mới tăng thêm cho nền kinh tế.
UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan khu vực V, Chi cục Thống kê tỉnh trước ngày 12/4/2025 rà soát, báo cáo về giá trị xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên xuất sang Hoa Kỳ theo từng nhóm hàng chủ yếu năm 2024 và quý I/2025; tỷ trọng so với tổng giá trị xuất khẩu của từng nhóm hàng để đánh giá ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đầu tư của các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu.
Sở Công Thương phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tham mưu nội dung với lãnh đạo UBND tỉnh để làm việc ngay với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa có quy mô xuất khẩu lớn, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhận định về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch đầu tư sắp tới của doanh nghiệp và giải quyết các đề xuất, kiến nghị…
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với UBND TP. Sông Công, UBND TP. Phổ Yên, UBND huyện Phú Bình khẩn trương giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghiệp Sông Công II và các dự án do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, tạo cơ sở giao đất cho các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng, triển khai dự án, bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trong quý II/2025; phấn đấu sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực hạ tầng quan trọng…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước khu vực V căn cứ các nhu cầu đầu tư để có các giải pháp kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đẩy mạnh tăng trưởng vốn huy động, vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí Bí thư Thành ủy, Huyện ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị này, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ các dự án đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công.
Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu dùng, đầu tư; nâng cao đồng thuận trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện./.