Thái Nguyên tối ưu hóa nguồn lực đất đai cho sự phát triển bền vững

(BKTO) - Trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt chú trọng tới việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai. Một điểm nhấn trong quá trình này là huyện Phú Bình, nơi đã không ngừng mở rộng và phát triển các khu dân cư mới, phù hợp với quy hoạch tỉnh Thái Nguyên từ năm 2021 đến 2030, hướng tới năm 2050.

dat-dai-1.jpg
Trên địa bàn thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đã và đang hình thành nhiều khu dân cư, góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị trung tâm huyện. Ảnh: ST

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên, trong đó có huyện Phú Bình, đặc biệt quan tâm khơi thông nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển.

Bí thư Huyện ủy Phú Bình Nguyễn Thị Loan nhấn mạnh, vị trí quan trọng của Phú Bình như một trung tâm tăng trưởng ở phía Nam tỉnh. Dựa trên kế hoạch phát triển của tỉnh Thái Nguyên từ 2021 đến 2030, với tầm nhìn xa hơn đến năm 2050, huyện đã tích cực lên kế hoạch sử dụng đất và phát triển vùng, nhằm khuyến khích sự phát triển của các khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Sự đầu tư vào các dự án giao thông quan trọng như Đường Vành đai V và dự án nối các khu công nghiệp từ TP. Phổ Yên tới Phú Bình, cũng như việc mở rộng các tuyến đường tỉnh, đã mở ra cơ hội để Phú Bình thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

Năm 2024, huyện Phú Bình tiếp tục tập trung cao độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện hàng chục các dự án khu dân cư, khu đô thị, điểm dân cư (KDC, KĐT, ĐDC), khu tái định cư, các dự án giao thông trọng điểm, CCN. Riêng thị trấn Hương Sơn đang đẩy nhanh tiến độ GPMB 3 KĐT số 2B, số 9 và số 12 được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công để tăng thu ngân sách cho địa phương.

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Bình cũng đang thực hiện công tác kiểm đếm, GPMB các KDC, ĐDC trên địa bàn xã Điềm Thụy, Kha Sơn, Xuân Phương, Tân Đức. Đến nay, Phú Bình có 79 dự án KDC, KĐT đã và đang được triển khai. Trong đó có 5 KDC, KĐT đã đưa vào sử dụng; các dự án còn lại đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết hoặc xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, GPMB.

Ông Dương Đại Đồng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Bình, cho biết: Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các phòng, ban của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện hiệu quả công tác dân vận… để người dân hiểu rõ mục tiêu của dự án, ủng hộ chính quyền, bàn giao mặt bằng triển khai các công việc đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

dat-dai-2.jpg
Năm 2024, trên địa bàn phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên) có 9 dự án khu dân cư, khu đô thị được triển khai giải phóng mặt bằng, phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: ST

Sau một thời gian ảm đạm, trầm lắng, từ cuối năm 2023, thị trường giao dịch bất động sản tại thành phố Thái Nguyên bắt đầu sôi động trở lại khi tổ chức thành công nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại các KDC đường Việt Bắc, Túc Duyên, hồ điều hòa Xương Rồng… Các phiên đấu giá này đã đóng góp vào tổng số thu tiền sử dụng đất năm 2023 của thành phố trên 1.430 tỷ đồng.

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Thái Nguyên đã triển khai tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu đô thị, phân khu chức năng. Trong đó chú trọng việc quy hoạch các KDC, KĐT để thu hút các nhà đầu tư, khai thác hiệu quả nguồn quỹ đất cho phát triển. Năm 2024, thành phố tập trung triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án Xây dựng Sân vận động Thái Nguyên; Xây dựng Trụ sở làm việc khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên; KĐT mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên (giai đoạn 1).

Đồng thời tập trung thực hiện công tác bồi thường GPMB các KDC phục vụ thu ngân sách TP. Thái Nguyên tại phường Tân Lập như: Dự án KDC số 1, số 2, số 3, số 4 và số 5 đường Việt Bắc; KDC số 11A, KDC tổ 11B; Mở rộng khu dân cư số 1 đường Việt Bắc; Xây dựng hồ điều hòa tại KDC số 2 đường Việt Bắc; Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Thanh niên xung phong và xây dựng hạ tầng KDC hai bên đường. Thực hiện công tác bồi thường GPMB KDC đường Bắc Sơn kéo dài. Hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư đáp ứng kịp thời việc di chuyển và ổn định cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thuộc diện tái định cư.

Ông Nguyễn Tiến Trữ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Thái Nguyên, cho biết: Ngân sách thu từ tiền đất đối với các KDC, KĐT đã đóng góp nguồn lực quan trọng để thành phố tập trung đầu tư quay trở lại đối với các công trình hạ tầng đô thị. Nhờ vậy, diện mạo đô thị ở TP. Thái Nguyên trong những năm gần đây có những chuyển biến rất tích cực…

Từ thực tế của TP. Thái Nguyên và huyện Phú Bình cho thấy, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và đơn vị chủ đầu tư, đến nay, cơ sở hạ tầng của nhiều dự án được hoàn thiện, tạo nên diện mạo đô thị của các địa phương đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc khai thác hiệu quả nguồn quỹ đất đã thu về cho ngân sách nhà nước một nguồn lực quan trọng phục vụ tái đầu tư phát triển, đặc biệt là về hạ tầng cơ sở và xây dựng đô thị.

Cùng chuyên mục
Thái Nguyên tối ưu hóa nguồn lực đất đai cho sự phát triển bền vững