Thẩm định báo cáo kiểm toán - nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng kiểm toán

ĐĂNG KHOA (thực hiện) | 10/10/2024 14:36

(BKTO) - Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Huỳnh Hữu Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - khẳng định: Công tác thẩm định báo cáo kiểm toán đã có nhiều phát hiện quan trọng góp phần hoàn thiện báo cáo kiểm toán. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

5.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Huỳnh Hữu Thọ. Ảnh: Đ.KHOA

Thưa ông, trước hết, xin ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thẩm định báo cáo kiểm toán trong quy trình kiểm toán của KTNN?

Có thể nói, kể từ ngày thành lập KTNN đến nay, qua hơn 30 năm hoạt động, đối với bất kỳ cuộc kiểm toán nào khi lập dự thảo báo cáo kiểm toán xong, KTNN cũng đều có bộ phận thẩm định báo cáo kiểm toán. Hiện nay, bộ phận thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán tương đối hoàn thiện về mặt tổ chức bao gồm 3 vụ tham mưu (Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán). Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của công tác thẩm định báo cáo kiểm toán trong quy trình kiểm toán.

Công tác thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán có ý nghĩa, tác động rất lớn đến báo cáo kiểm toán, là nhân tố quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Một báo cáo kiểm toán chất lượng phải đạt được mục tiêu kiểm toán đề ra; đảm bảo đầy đủ những vấn đề trọng yếu, các nội dung kiểm toán đã được xác định, quá trình kiểm toán phải tuân thủ các hướng dẫn của chuẩn mực kiểm toán, báo cáo kiểm toán phải trình bày theo hồ sơ, mẫu biểu của Ngành…

Đặc biệt, các đánh giá, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán phải được dựa trên những căn cứ pháp lý đầy đủ và phù hợp, nói một cách khác là phải hợp pháp. Từ đó, kiến nghị kiểm toán mới có thể được thực thi trong quá trình thực hiện.

Một báo cáo kiểm toán có nhiều đánh giá, kết luận, kiến nghị và được thực thi trong quá trình thực hiện kiến nghị của đơn vị được kiểm toán, thì đó là một báo cáo kiểm toán có chất lượng, từ đó góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động kiểm toán của KTNN.

Vậy qua công tác thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán thời gian qua, ông nhận thấy có những vấn đề gì cần quan tâm, rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo kiểm toán, thưa ông?

Với vai trò của Vụ Pháp chế là đơn vị tham gia công tác thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán về khía cạnh pháp lý, qua công tác thẩm định, chúng tôi phát hiện khá nhiều sai sót trong quá trình dự thảo báo cáo kiểm toán; tập trung ở 4 nhóm sai sót chủ yếu sau:

Nhóm thứ nhất, có những kiến nghị kiểm toán không hợp pháp, tức là các đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán đưa ra nhưng quy định pháp luật có thể chưa quy định về vấn đề đó; hoặc là có quy định nhưng chưa được hiểu và vận dụng đúng.

Nhóm thứ hai, trong quá trình kiểm toán, phát hiện ra vấn đề và đưa ra đánh giá, kết luận và kiến nghị nhưng chưa đảm bảo những thông tin rõ ràng về vấn đề đặt ra để đưa ra kiến nghị. Đối với sai sót này, qua thẩm định, chúng tôi yêu cầu, đơn vị dự thảo báo cáo kiểm toán phải bổ sung và làm rõ những vấn đề đã phát hiện, bổ sung những nội dung đánh giá, kết luận để có kiến nghị phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhóm thứ ba, báo cáo kiểm toán có phát hiện những sai sót, sai phạm và đưa ra đánh giá, kết luận nhưng lại chưa đưa ra kiến nghị. Hoặc, phát hiện ra sai sót rồi đánh giá, kết luận nhưng kiến nghị lại không phù hợp với phát hiện nên phải bổ sung hoặc chỉnh sửa kiến nghị cho phù hợp

Nhóm thứ tư thường được chỉ ra đó là sự không tương thích giữa kiến nghị kiểm toán với kết quả kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, từ đó phải bổ sung những thông tin về kết quả, những bằng chứng đưa ra.

Ngoài ra, một nhóm vấn đề khác cũng cần lưu ý, đó là việc viện dẫn các quy phạm pháp luật đối với các sai sót, sai phạm đòi hỏi phải đúng vấn đề được nêu phù hợp về cách viện dẫn và hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, báo cáo kiểm toán đưa ra những sai phạm, sai sót nhưng lại viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, không phù hợp, viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật không đúng với bản chất của vấn đề được phát hiện; kỹ thuật viện dẫn văn bản không đúng quy định (không rõ quy định đó thuộc điểm nào, khoản nào, điều nào của văn bản).

Với ý nghĩa và những đóng góp quan trọng của công tác thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán như ông vừa chia sẻ, tại Chỉ thị số 1671/CT-KTNN về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN ban hành mới đây, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu cần chú trọng công tác thẩm định báo cáo kiểm toán để đưa ra các ý kiến tham mưu, giải pháp có chất lượng, hiệu quả… Vậy theo ông, cần tập trung những giải pháp gì để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo kiểm toán?

Từ góc độ là đơn vị tham gia công tác thẩm định về căn cứ pháp lý trong dự thảo báo cáo kiểm toán, Vụ Pháp chế luôn xác định là phải cố gắng nâng cao chất lượng công tác thẩm định. Chúng tôi nhận thức rõ rằng, công tác thẩm định tốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kiểm toán. Đặc biệt, với Chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước về nâng cao chất lượng kiểm toán thì rõ ràng, công tác thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa.

Thực tế, công tác thẩm định gồm nhiều khía cạnh. Ở khía cạnh pháp lý, Vụ Pháp chế xác định sẽ phải nâng cao chất lượng công tác thẩm định, với những giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề trước hết cần quan tâm là về yếu tố con người. Để có thể thẩm định báo cáo kiểm toán đưa ra những ý kiến thẩm định có chất lượng, giúp báo cáo kiểm toán hoàn thiện hơn thì yêu cầu đầu tiên là người làm công tác thẩm định phải có kinh nghiệm, có thâm niên công tác trong hoạt động kiểm toán, am hiểu về nhiều lĩnh vực; đồng thời cũng đòi hỏi một sự nhạy bén, hiểu biết pháp luật.

Do đó, chúng tôi luôn chú trọng rèn giũa, đào tạo, bồi dưỡng công chức của Vụ về kiến thức, năng lực trong các lĩnh vực kiểm toán, kỹ năng khai thác, đọc hiểu văn bản pháp luật. Có thể nói, đây là kim chỉ nam của người làm công tác thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán ở khía cạnh pháp lý. Bởi trên thực tế, quy định pháp luật rất nhiều, hoạt động kiểm toán lại trải rộng trên nhiều lĩnh vực nên người làm công tác thẩm định phải có sự am hiểu, có kỹ năng khai thác những văn bản trên từng lĩnh vực, thông qua những công cụ hỗ trợ từ hệ thống các công nghệ, phần mềm của KTNN…

Đồng thời, với kỹ năng khai thác văn bản, người thẩm định phải có kỹ năng đọc và hiểu đúng về các quy phạm pháp luật, theo đúng mục đích, yêu cầu của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó vận dụng đúng đắn trong báo cáo thẩm định. Có như vậy thì chúng ta mới thực hiện được nguyên tắc chỉ tuân thủ pháp luật trong hoạt động của KTNN.

Một giải pháp nữa cũng cần đặt ra để góp phần nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán đó là đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa bộ phận làm công tác thẩm định với đơn vị dự thảo báo cáo kiểm toán, trên tinh thần hợp tác, chia sẻ và phải có sự cầu thị để hoàn thiện báo cáo kiểm toán, vì mục đích chung cuối cùng là đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm soát từng cấp, gắn trách nhiệm cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán
    một tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhằm tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1671/CT-KTNN về thực hiện một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán về giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán trong thời gian tới.
  • Đằng sau điểm số giám sát ngân sách của Kiểm toán nhà nước
    một tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Điểm số giám sát ngân sách của Kiểm toán nhà nước (KTNN) có sự cải thiện qua các năm và cao hơn so với trung bình toàn cầu. “Đó là điều đáng ghi nhận trong việc thực thi công khai ngân sách nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, áp lực đối với KTNN khi phải duy trì, cải thiện hơn điểm số này”, ông Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - chia sẻ.
  • Công khai ngân sách: Khung pháp lý và quyết tâm đã có nhưng vẫn cần thêm chế tài
    một tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - khẳng định, khuôn khổ pháp luật về công khai, minh bạch ngân sách khá đầy đủ, các cấp quản lý đã quyết tâm thực thi nhưng vẫn có đơn vị chưa thực hiện do thiếu chế tài xử lý. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, bổ sung vấn đề này khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).
  • Bài 4: Giải pháp nâng cao chất lượng ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách nhà nước
    một tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chất lượng tham gia ý kiến của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) đã được khẳng định trong thực tiễn thời gian qua. Tuy nhiên, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với KTNN ngày càng lớn. Điều này đòi hỏi rất nhiều giải pháp không chỉ từ nội bộ Ngành, mà quan trọng hơn là sự hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như công tác phối hợp giữa các bên liên quan.
  • Thái Lan: Đề cao những tác động tích cực, mạnh mẽ của hoạt động kiểm toán
    một tháng trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Thái Lan với vai trò Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2021-2024 đã công bố một báo cáo có chủ đề: “Hiểu về tác động của hoạt động kiểm toán thông qua mô hình kinh tế và toán học”.
Thẩm định báo cáo kiểm toán - nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng kiểm toán