Thưa ông, theo Chỉ thị số 1671/CT-KTNN, một trong những vấn đề trọng tâm được Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, đó là cần tăng cường rà soát, hoàn thiện quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán, trong đó có công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán. Xin ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?
Để nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán, thời gian qua KTNN đã chú trọng, quan tâm đến việc xây dựng, sửa đổi ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, nhất là hệ thống Chuẩn mực kiểm toán để bảo đảm chất lượng hoạt động kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT).
Thứ nhất, nhằm tăng cường công tác kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kiểm toán, đầu năm 2024, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký ban hành Quy chế KSCLKT thay thế cho các quy định trước đó, đảm bảo cho việc tuân thủ Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán, mẫu biểu, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN…, và các quy định khác có liên quan trong quá trình tổ chức kiểm toán được tuân thủ thực hiện đúng, đầy đủ.
Quy chế quy định các cấp KSCLKT của KTNN, hướng đến mục tiêu tăng cường các cấp kiểm soát và chi tiết các nội dung để đảm bảo chất lượng, hạn chế rủi ro, sai sót trong kiểm toán và đặc biệt chú trọng đến việc phân cấp cho thủ trưởng các đơn vị. Trong đó, có hướng dẫn chi tiết hơn về các nội dung, trình tự, thủ tục KSCLKT; đồng thời quy định rõ hơn về tổ chức thực hiện KSCLKT để tránh chồng chéo giữa các cấp kiểm soát, giữa các đơn vị thực hiện chức năng kiểm soát, thanh tra.
Thứ hai, Vụ Chế độ và KSCLKT hiện được giao chủ trì nghiên cứu sửa đổi Quy định về tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại thành viên đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán; xây dựng Mẫu bộ câu hỏi để đơn vị được kiểm toán đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn về các thành viên đoàn kiểm toán sau khi kết thúc cuộc kiểm toán. Vụ xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và quyết tâm hoàn thành tốt, vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Thứ ba, thực hiện nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao, Vụ cũng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng chủ động thực hiện rà soát, đánh giá tác động của các quy định có liên quan đến hoạt động kiểm toán để tham mưu kịp thời Tổng Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động kiểm toán; chú trọng công tác thẩm định, giám sát và kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra công vụ để đưa ra các ý kiến tham mưu, giải pháp có chất lượng và hiệu quả đồng thời kịp thời công khai các sai sót, hạn chế trong hoạt động kiểm toán để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và giảm thiểu rủi ro kiểm toán.
Chỉ thị số 1671/CT-KTNN cũng chỉ rõ vai trò quan trọng của công tác giám sát, kiểm soát chất lượng kiểm toán. Xin ông có thể thông tin về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này hiện nay, thưa ông?
Nhiệm vụ KSCLKT gắn với chức năng của Vụ, hiện đang được chúng tôi thực hiện theo đúng kế hoạch và rất bài bản. Vào thời điểm cuối năm trước, Vụ đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, trên cơ sở định hướng về công tác KSCLKT được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt. Vụ đã gửi hướng dẫn về công tác KSCLKT tới các đơn vị để làm cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm soát tại các đơn vị.
Thực hiện phương châm “Chất lượng và đạo đức công vụ”, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị chú trọng đổi mới công tác kiểm toán, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, KSCLKT. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc phân cấp kiểm soát, gắn trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân có liên quan, từ đó góp phần đạt được mục tiêu “chất lượng, chất lượng hơn nữa” trong hoạt động kiểm toán.
TS. Nguyễn Lương Thuyết
Các hình thức kiểm soát đang được triển khai hiện nay gồm kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất, với sự phân cấp kiểm soát đến từng bộ phận, cá nhân quản lý, tổ chức, tham gia hoạt động kiểm toán. Trong đó, đối với Vụ Chế độ và KSCLKT, đơn vị đang thực hiện kiểm soát với cấp Kiểm toán trưởng, kiểm soát hoạt động của đoàn kiểm toán. Nội dung kiểm soát là việc chấp hành quy định của Ngành trong hoạt động kiểm toán; đồng thời đánh giá về tính khả thi, phù hợp với thực tiễn của các văn bản của Ngành đã ban hành, qua đó có thể tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp thực tiễn.
Bên cạnh hoạt động kiểm soát, Vụ cũng thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán thông qua nhật ký kiểm toán điện tử. Đối với nhiệm vụ này, Vụ đã giao cho các phòng chức năng trực thuộc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Kết quả giám sát được đơn vị báo cáo Lãnh đạo KTNN, cũng như công khai tại cuộc họp giao ban toàn Ngành để qua đó các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán cùng xem xét, rút kinh nghiệm. Đây cũng là cơ sở để Tổng kiểm toán nhà nước đưa ra chỉ đạo kịp thời đối với hoạt động kiểm toán, hoạt động KSCLKT.
Từ góc độ đơn vị thực hiện KSCLKT, ông có lưu ý gì đối với công tác này để góp phần chung vào việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán trong thời gian tới?
Với vai trò là công cụ để kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro, sai sót có thể xảy ra trong hoạt động kiểm toán đồng thời thực hiện theo luật KTNN, đó là, KSCLKT được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với toàn bộ hoạt động kiểm toán nên công tác KSCLKT tiếp tục được chú trọng thực hiện tốt.
Trong đó, KTNN đặc biệt coi trọng công tác KSCLKT tại các cấp, gắn trách nhiệm với từng cấp và từng cá nhân. Trong đó, kiểm toán viên phải tự kiểm soát chính trong hoạt động kiểm toán của mình, kiểm soát các bằng chứng được phát hiện, cũng như việc tuân thủ, chấp hành quy định. Tổ trưởng Tổ kiểm toán kiểm soát lại công việc đã giao cho kiểm toán viên; soát xét lại các tài liệu có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Đối với cấp đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn sẽ trực tiếp kiểm soát hoạt động tổ chức thực hiện kiểm toán của Đoàn, trước khi trình đến cấp Thủ trưởng đơn vị để kiểm soát chung với các Đoàn do đơn vị chủ trì thực hiện. Do đó, nhiệm vụ kiểm soát trực tiếp theo phân cấp đến từng bộ phận từ chính đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán sẽ đóng vai trò rất quan trọng và cần tiếp tục được thực hiện tốt trong thời gian tới.
Qua công tác KSCLKT giúp phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại trong tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và hoạt động KSCLKT của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; củng cố cơ sở pháp lý, bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp cho các kết quả kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và giảm thiểu rủi ro kiểm toán. Ngoài ra công tác KSCLKT còn giúp quản lý chặt chẽ các thành viên tham gia hoạt động kiểm toán, bảo đảm tuân thủ đạo đức công vụ.
Thông qua công tác KSCLKT còn giúp KTNN đánh giá được khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm toán, trong thực hiện các quy định về tổ chức thực hiện kiểm toán, từ đó làm cơ sở để các đơn vị đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy định về kiểm toán và KSCLKT của KTNN.
Trên cơ sở các kết quả đạt được vừa qua, cũng như thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, trong thời gian tới, cùng với các đơn vị chức năng, Vụ Chế độ và KSCLKT sẽ tiếp tục chú trọng công tác thẩm định, giám sát và KSCLKT để có ý kiến tham mưu, giải pháp có chất lượng và hiệu quả đồng thời kịp thời công khai các sai sót, hạn chế trong hoạt động kiểm toán để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm nhằm giảm thiểu rủi ro kiểm toán.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.