Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, những cam kết về lao động của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tác động không nhỏ đến thị trường lao động trong nước. Nếu Việt Nam chuẩn bị tốt mọi điều kiện để thực hiện những cam kết, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều việc làm mới ở thị trường trong nước.
Để có sự chuẩn bị tốt nhất, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động cho phù hợp với các nội dung đã cam kết. Chẳng hạn như việc điều chỉnh khoảng cách chênh lệnh tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ; bảo đảm tốt hơn nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động…
Liên quan đến khuyến nghị này, ông Nguyễn Mạnh Cường- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, phải tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của CPTPP, trong số những điều khoản cần sửa đổi theo đúng trình tự, thủ tục.
“Việc sửa đổi Bộ luật Lao động hiện nay là rất phù hợp với lộ trình Việt Nam tham gia CPTPP. Tuy nhiên,Việt Nam cần khoảng thời gian từ 3-5 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm” - ông Cường nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo |
Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp thách thức trong thu hút và giữ nhân tài. Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao, vì thiếu sự hấp dẫn của tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc. Những vị trí việc làm tốt, đặc biệt là trong các DN FDI dễ rơi vào lao động nước ngoài, bởi họ luôn có lợi thế về ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và tác phong công nghiệp.
Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu các thách thức từ hiệp định thương mại thế hệ mới này, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong nước và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thì một trong các nhân tố quan trọng là nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam. Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, đây là yêu cầu, đòi hỏi mang tính cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lực lượng lao động còn giúp tăng năng suất của nền kinh tế, tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ hội nhập.
Hiệp định CPTPP, tiền thân là TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) gồm 11 nước, trong đó có Việt Nam. 11 nước tham gia CPTPP có tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu. Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc được cho đang xem xét việc gia nhập CPTPP |
Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC