Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Bình quân 7 tháng của năm 2020, CPI tăng 4,07% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, CPI khu vực thành thị tăng 3,63%, khu vực nông thôn tăng 4,51%. Lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm 2020 tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng có chỉ số giá tăng. Đó là, giao thông là nhóm tăng cao nhất 3,91%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,47%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%... Có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7/2020 là giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 27/6/2020; trong đó, giá xăng A95 tăng 890 đồng/lít, xăng E5 tăng 860 đồng/lít, dầu diezel 0,05S tăng 600 đồng/lít so với tháng trước. Bình quân giá xăng dầu tháng 7/2020 tăng 9,02% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,37%.
Cùng với đó, thời tiết nắng nóng kéo dài kỷ lục, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước tăng rất cao, làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 2%, chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,25% so với tháng trước.
Từ ngày 01/7/2020 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 3.500 đồng/bình 12kg tăng 1,13% so với tháng 6/2020 do giá gas thế giới bình quân tháng 7/2020 công bố ở mức 350 USD/tấn, tăng khoảng 10USD/tấn so với tháng 6 năm 2020. Tháng 7 là thời điểm học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch tăng dẫn tới chỉ số giá nhóm du lịch trong nước tăng 0,8% so với tháng trước.
Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI tháng 7/2020 như: giá gạo giảm 0,33% so với tháng trước do nguồn cung từ vụ lúa Hè Thu đang dần đưa ra thị trường, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ mức 475 USD/tấn xuống mức 450 USD/tấn.
Hiệu ứng từ việc Việt Nam nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về để nuôi, giết mổ làm thực phẩm, giá lợn hơi trong những ngày đầu tháng 7 năm 2020 giảm từ 2.000 - 10.000 đồng/kg. Theo đó, giá thịt lợn bán lẻ giảm 2,48%, giá thịt chế biến giảm 0,14%, giá mỡ giảm 2,74%.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thủy hải sản tươi sống giảm 0,45% so với tháng trước do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhiều nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam đóng cửa khẩu, nhu cầu tiêu dùng từ khách du lịch giảm, dẫn đến dư cung trên thị trường.
Cũng trong tháng 7, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, vàng thế giới cao nhất trong vòng 9 năm kể từ năm 2012, bình quân đến ngày 24/7/2020 giá vàng thế giới ở mức 1.890 USD/ounce tăng 4,31% so với tháng trước. Giá vàng thế giới tăng do tình hình kinh tế thế giới dự báo tiêu cực, dịch COVID-19 tiếp tục lan nhanh, các nước trên thế giới đều đưa ra các gói kích thích kinh tế.
Trong nước, kênh đầu tư tiết kiệm lãi suất đang giảm mạnh, trái phiếu doanh nghiệp nhiều rủi ro; nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao làm cho giá vàng tăng. Trong những ngày gần đây giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh phá vỡ các kỷ lục trước đây, bình quân tháng 7/2020, giá vàng tăng 3,49% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức trên 5 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Chỉ số đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường thế giới giảm 0,81% so với tháng trước xuống còn 94,86 điểm trong ngày 24/7/2020. Tỷ giá USD vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi sau những lo ngại rằng đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ mâu thuẫn trong việc thống nhất các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo của Mỹ.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá giữa VND và USD tháng 7/2020 giảm 0,23%, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng 7 năm 2020 dao động quanh mức 23.290 VND/USD.
Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2020 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước; 7 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,74%.
Bình quân 7 tháng của năm 2020, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản; điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: giá lương thực, thực phẩm, giá một số dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước.