“Thanh bảo kiếm” trở nên sắc bén hơn

(BKTO) - Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Quy định 131). Quy định này sẽ góp phần giúp những “thanh bảo kiếm” trở nên sắc bén hơn để kiểm soát quyền lực - giải pháp trọng yếu nhằm đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực.

3-.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC. Ảnh: TTXVN

Siết chặt những chuẩn mực hành động đối với cán bộ, đảng viên

Quy định 131 của Bộ Chính trị quy định rõ 21 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, thành viên cấp ủy; trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cá nhân có liên quan.

Quy định 131 cũng quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm đối với hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng tiêu cực. Theo đó, khi cấp ủy tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán phải “kịp thời xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh”.

Ngoài ra, cá nhân đang công tác còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như: Đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán; không quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Với vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ Chính trị quy định, phải kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính hoặc nội bộ...

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra vào ngày 07/11, khi trả lời đại biểu Quốc hội về việc điều tra các vụ án tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh: Thực tế, việc điều tra, quyết định truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền dù bất kể người đó là ai” đã được thực hiện tốt. Điều này cũng góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước, không để các đối tượng trốn ra nước ngoài và không dám trốn ra nước ngoài. Những kết quả trên đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào PCTNTC trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Cùng với nhiều văn bản mới, như: Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong công tác cán bộ; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC... Quy định 131 được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn hiện tượng cán bộ thực thi nhiệm vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, quan hệ, tác động, làm giảm nhẹ trách nhiệm của đối tượng vi phạm.

Trước thực tiễn đặt ra, việc ban hành Quy định 131 một lần nữa cho thấy tính đúng đắn và kịp thời, nỗ lực mạnh mẽ của Đảng trong việc siết chặt những chuẩn mực hành động đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những người được giao quyền lực để thực thi nhiệm vụ trong lĩnh vực kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán vốn luôn nhạy cảm. Đồng thời, kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán là những công cụ rất quan trọng để kiểm soát quyền lực, PCTNTC. Quy định này sẽ góp phần giúp những “thanh bảo kiếm” trở nên sắc bén hơn để kiểm soát quyền lực - giải pháp trọng yếu nhằm đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực.

Kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng đánh giá, việc xây dựng và ban hành Quy định 131 sẽ góp phần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong các hoạt động này. Từ đó, sẽ tạo sự minh bạch hơn nữa, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.

Trao đổi với báo chí, Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lê Văn Thái cho rằng, Quy định 131 nhằm ngăn chặn “vòi bạch tuộc” tham nhũng tiêu cực can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực thông qua các quan hệ của cấp trên, quan hệ thân thích để tác động làm “méo mó” sự việc. Đồng thời, cảnh báo để làm giảm áp lực từ bên ngoài vào các cơ quan chống tham nhũng tiêu cực; tạo ra luồng dư luận xã hội, giám sát xã hội để giảm áp lực lên các cơ quan này.

Tại Quy định 131, Bộ Chính trị yêu cầu: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước, các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương và các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định này. Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định; xử lý kỷ luật, đề nghị xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân vi phạm Quy định; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho rằng, việc ban hành Quy định 131 là rất cần thiết và kịp thời của Bộ Chính trị. Trước hết, đây là nhu cầu cấp thiết, khách quan của cuộc đấu tranh PCTNTC trong xã hội ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xuất phát từ việc trao quyền và phát huy cao độ vai trò của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán… trong cuộc đấu tranh này.

Cùng với đó, chú trọng kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong chính các cơ quan này; bảo đảm nghiêm và minh; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công cuộc PCTNTC, lan tỏa các giá trị tích cực từ kết quả đấu tranh, tạo chuyển biến tốt và tạo dựng lòng tin vững chắc trong cán bộ, đảng viên và trong toàn xã hội. “Có thể nói Quy định 131 đã nhận diện sự “tha hóa quyền lực” có thể xảy ra, đưa ra chuẩn mực hành động và tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực rất nhạy cảm này. Đúng đắn, khách quan và kịp thời” - ông Nguyễn Xuân Bình nhận định.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Phong - Học viện Hành chính Quốc gia - khẳng định, Quy định 131 có nội dung bao quát nhưng cũng rất chi tiết cụ thể. Với 11 điều được xây dựng khoa học, bài bản, sát với yêu cầu thực tiễn, Quy định sẽ sớm đi vào hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng và quá trình công tác của mỗi cán bộ, đảng viên./.

Cùng chuyên mục
“Thanh bảo kiếm” trở nên sắc bén hơn