Tiếp tục hoàn thiện thể chế để mạnh dạn phân cấp, phân quyền

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để các cấp, các ngành phải tiếp tục mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 08/11. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 08/11, sau khi trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Phối hợp chặt chẽ trong phát triển du lịch

Tại Phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đặt câu hỏi về định hướng, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực này.

Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, tài nguyên du lịch của nước ta rất phong phú với truyền thống lịch sử - văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan, môi trường, đặc biệt có bờ biển dài trên 3.000km, người dân thân thiện, mến khách, cần cù, yêu lao động. Đó là những lợi thế của ngành du lịch.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách, nhưng thực tế, ngành du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong đợi của đồng bào, cử tri.

Các nguyên nhân như đại biểu đã nêu, liên quan tới chính sách, thể chế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển vì du lịch là ngành mới nhưng có tính hội nhập cao. Các khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chủ quan là chính.

Về giải pháp, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung để xác định rõ trọng tâm phát triển; bố trí nguồn lực cho hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

“Đây là ngành kinh tế tổng hợp nên cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương” - Thủ tướng nhấn mạnh.

3(2).jpg
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đặt câu hỏi với Thủ tướng. Ảnh: quochoi.vn

Việc phân cấp, phân quyền và thực thi chưa đáp ứng yêu cầu

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) nêu vấn đề: Cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng về những chủ trương, giải pháp ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Tuy nhiên, thực tiễn một số lĩnh vực chưa được như kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết các nguyên nhân, định hướng và giải pháp thời gian tới để thực hiện chủ trương lớn nói trên.

Trả lời chất vấn, Thủ tướng cho biết, Đảng đã có chủ trương rất rõ về tăng cường phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm các cấp, phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các cấp (gồm chính quyền Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các các cơ quan khác). Việc phân cấp, phân quyền là rất quan trọng.

Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền và tổ chức thực thi chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cử tri và nhân dân. Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một số cơ quan Trung ương, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật. Năng lực cán bộ còn có những hạn chế, nhất là trước những việc lớn, việc mới. Việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan nhiều cấp, nhiều ngành.

Theo Thủ tướng, giải pháp là phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để các cấp, các ngành phải tiếp tục mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

3.jpg
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 08/11. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục phát huy thành quả đối ngoại, hội nhập

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đánh giá cao công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế thời gian qua, đạt những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực, thúc đẩy thương mại, đầu tư và nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 phù hợp với tình hình quốc tế đã và đang diễn biến phức tạp, bất thường, bất định.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết, chúng ta đang thực hiện đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Triển khai đường lối này, chúng ta xác định các thứ tự ưu tiên, gồm: Các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, các nước lớn.

Công tác đối ngoại, hội nhập đã đạt những kết quả rất quan trọng và là điểm sáng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8, từ đó tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, thu hút nguồn lực phát triển (về vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực); góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Gần đây, Việt Nam đã và đang tiếp tục nâng cấp quan hệ với các nước, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20.

“Tiếp tục phát huy thành quả đối ngoại, hội nhập của năm 2023, chúng ta đang xây dựng chương trình đối ngoại, hội nhập quốc tế năm 2024 và tiếp tục triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và tiếp tục huy động sức mạnh, nguồn lực của kiều bào ở nước ngoài” - Thủ tướng nói.

4.jpg
Thủ tướng trả lời về cải cách tiền lương. Ảnh: quochoi.vn

Cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước

Về câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) liên quan tới cải cách tiền lương, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Lương là nguồn tái tạo sức lao động và cũng là động lực cho cán bộ công chức tham gia cống hiến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, nhưng chưa thực hiện được do nguồn lực khó khăn, đại dịch Covid-19, các tác động từ tình hình trong và ngoài nước.

“Đến nay, chúng ta đã cố gắng tăng thu, giảm chi, tiết kiệm được khoảng 560 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026” - Thủ tướng thông tin.

Thời gian tới, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; tiết kiệm chi để bảo đảm chi lương cho cán bộ, công chức.

Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách, cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước theo hướng tiệm cận nhau giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Đồng thời, phải tiến hành công tác tuyên truyền và nhiều nhiệm vụ khác như Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời.

Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) nhắc đến ý kiến cho rằng trong cải cách thể chế vẫn chưa rõ cải cách quan trọng và trọng tâm nhất là gì. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà; sức ỳ của một bộ phận cán bộ công chức vẫn là cản trở cho sự phát triển.

“Nếu được xếp thứ tự ưu tiên 3 vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì? Và giải pháp gì để xử lý những tồn tại hạn chế nêu trên?”, bà Hoa đặt câu hỏi.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ trong cải cách thể chế cần hài hòa, hợp lý, trong đó tháo gỡ được thể chế thì sẽ tháo gỡ được nguồn lực.

Nhấn mạnh phát triển được hạ tầng sẽ giảm sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm chi phí logistic, ông cho rằng nhiệm vụ quan trọng là phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, cả 3 đột phá đều đang tiến hành, phù hợp hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn để lựa chọn mục tiêu ưu tiên.

Rà soát lại để cắt giảm thủ tục không cần thiết

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận tình trạng thủ tục hành chính rườm rà là vấn đề gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, thái độ của một bộ phận công chức xử lý công việc theo thẩm quyền nhưng đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Theo Thủ tướng, cần tăng cường công tác tuyên truyền; với cán bộ công chức thì cần đảm bảo lợi ích tinh thần và vật chất, để các cán bộ này đảm bảo nhiệm vụ, chức trách được giao.

Bên cạnh đó, có giải pháp về tư tưởng, giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bản thân cán bộ với doanh nghiệp, xã hội trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; các bộ ngành rà soát lại các thủ tục để trên cơ sở đó cắt giảm thủ tục không cần thiết.

Thủ tướng đề nghị trưởng ngành, người đứng đầu chính quyền các địa phương tiếp tục vào cuộc, huy động cả hệ thống chính trị để vừa thúc đẩy, giám sát, vừa động viên, đề ra nhiệm vụ cơ bản cho đơn vị. Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ, tăng chế tài xử lý.

Ngoài ra, Thủ tướng còn trả lời nhiều nội dung khác mà các đại biểu Quốc hội quan tâm./.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục hoàn thiện thể chế để mạnh dạn phân cấp, phân quyền