Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

(BKTO) - 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 1.424 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

th12.png
Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai thực hiện Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: THÙY LÊ

Theo báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 1.424 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn điều lệ đăng ký đạt 9.443,9 tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 6,63 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, một số địa phương có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt và vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ.

Theo lĩnh vực, ngành nghề, 7/17 lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tăng so với cùng kỳ, trong đó, một số lĩnh vực tăng cao như: Giáo dục và đào tạo tăng 84,6%; sản xuất phân phôi, điện, nước, gas tăng 42,9%; hoạt động dịch vụ khác tăng 40%.

Theo quy mô vốn, doanh nghiệp thành lập mới quy mô từ trên 0-10 tỷ đồng có 1.783 doanh nghiệp, chiếm 91,9% (cùng kỳ là 88,8%); quy mô từ trên 10 - 20 tỷ đồng có 56 doanh nghiệp, chiếm 4%; quy mô từ trên 20 - 50 tỷ đồng có 33 doanh nghiệp, chiếm 2,3%; quy mô từ trên 50 - 100 tỷ đồng có 14 doanh nghiệp, chiếm 0,9% và quy mô từ trên 100 tỷ đồng có 12 doanh nghiệp, chiếm 0,9%.

Theo thống kê, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự kiến  tạo việc làm cho gần 20.033 lao động, trong đó, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có quy mô lao động đăng ký từ 10 lao động trở xuông có 1.349 doanh nghiệp, chiếm 94,8%; doanh nghiệp đăng ký từ 10 - 50 lao động có 67 doanh nghiệp, chiếm 4,7%; đăng ký trên 50 lao động có 7 doanh nghiệp, chiếm 0,5%.

Nộp ngân sách nhà nước khu vực doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.085,2 tỷ đồng, chiếm 51,6% tổng thu nội địa, đạt 69,3% dự toán giao, tăng 7,6% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3.608 tỷ đồng, bằng 82,9% dự toán giao và tăng 7,6% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp dân doanh ước đạt 1.636,5 tỷ đồng, bằng 62,5% dự toán giao và tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Cũng theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa có 560 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động. Các lĩnh vực có số lượng quay trở lại hoạt động nhiều nhất là bán buôn; bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (155 doanh nghiệp, chiếm 29,7%); xây dựng (108 doanh nghiệp, chiếm 20,7%); công nghiệp chế biến, chế tạo (73 doanh nghiệp, chiếm 14%).

Trong 6 tháng cuối năm, Thanh Hóa tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kế hoạch của HĐND, UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp năm 2023 và giai đoạn 2022-2026; đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính quyền điện tử”, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư, phát triến doanh nghiệp.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, chất lượng, tiến độ giải quyết công việc, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức thực hiện mô hình “Tổ công tác liên ngành” trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, loại bỏ các đầu mối, công đoạn xử lý chồng chéo, thiếu trách nhiệm, trong giải quyết công việc.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các loại hình kinh tế; xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, Thanh Hóa đã thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,2 lần so với cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn 43,4 triệu USD cho 3 dự án; tiếp nhận 6 chương trình, dự án, phi dự án viện trợ không hoàn lại với tổng vốn khoảng 5,1 triệu USD.

Một số dự án lớn nổi bật là: Dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng); Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương, thị xã Nghi Sơn (1.098,5 tỷ đồng); Dự án Nhà máy Nghi Sơn Global (860 tỷ đồng); Dự án Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng, Bá Thước (320 tỷ đồng); Dự án Nhà máy Green Leader Việt Nam (30 triệu USD)…

Cùng chuyên mục
Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới