Thanh Hóa: Nhiều chỉ tiêu dự kiến hoàn thành vượt kế hoạch

(BKTO) - Trong 36 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Thanh Hóa có 8 chỉ tiêu đã hoàn thành, 19 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch, còn lại 9 chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay thực hiện của nhân dân và doanh nghiệp.

sam-son.png
Thanh Hóa đã thu hút 1,55 triệu lượt du khách trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 14% so với cùng kỳ. Ảnh: Nguyễn Ly

Thanh Hóa bước vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm của Tỉnh tương đối tích cực, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ có triển vọng hoàn thành và vượt mức kế hoạch.

Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được phục hồi và duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, như: quần áo may sẵn tăng 12,6%, giày da tăng 10,9%, mực đông lạnh tăng 9,8%. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần đưa giá trị xuất khẩu của Thanh Hóa đạt con số hơn 764 triệu USD.

Cùng với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 6 tháng qua, Thanh Hóa đã có thu hút 1,55 triệu lượt du khách, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó có 15.400 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt kết quả tích cực, sản lượng lương thực có hạt đạt 22.252,3 tấn, bằng 55,6% kế hoạch. Toàn Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch.

Với mục tiêu xây dựng “Thành phố bên bờ sông Mã” trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại,  Thanh Hóa đã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Đề án “Huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, nâng cấp đường giao thông, rãnh thoát nước, vỉa hè trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025”.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng đang triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo định hướng lên phường.

Dự báo 6 tháng cuối năm 2023, tình hình kinh tế tiếp tục chịu tác động “kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại. Trong điều kiện như vậy, Thanh Hóa chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm gắn với lộ trình cụ thể, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền từ thành phố đến cơ sở.

Đi liền với đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn.

Đồng thời, triển khai các biện pháp tăng thu ngân sách, thu hồi các khoản nợ đọng ngân sách từ đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, gắn với bảo đảm các hoạt động lưu thông hàng hóa thông suốt, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong những tháng cuối năm./.

Cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Nhiều chỉ tiêu dự kiến hoàn thành vượt kế hoạch