Thanh Hóa: Nỗ lực giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân

(BKTO) - UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh. Việc ban hành Đề án này nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.

12er.png
Tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa giảm từ 19,9% xuống còn 15,19%. Ảnh: Nguyễn Ly

Tạo chuyển biến tích cực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tiếp tục chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện.

Kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; công tác giáo dục, y tế ở vùng DTTS có nhiều tiến bộ. Giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng DTTS và miền núi có chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển; trật tự an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững.

Trong 28 chỉ tiêu đề ra, đến nay, Tỉnh có 11/28 chỉ tiêu đạt và vượt mức. Trong đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên.

Tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi đạt 99,51%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 14,5%.

Tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% (giảm 4,81 %, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025). Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 21% xuống còn 17,07% (giảm 3,93%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%).

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển. Trong đó, 100% đường giao thông đến trung tâm xã bị hư hỏng, xuống cấp được sửa chữa, nâng cấp; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%.

Giai đoạn 2024-2025, Thanh Hóa phấn đấu duy trì và nâng cao 11 chỉ tiêu đã đạt so với mục tiêu của Chương trình, đồng thời hoàn thành 17 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch của Chương trình trong thời gian vừa qua.

Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Nhu cầu về nhà ở an toàn, ổn định, nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững của Thanh Hóa rất cần thiết. Tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở nhưng là một tỉnh nằm trong khu vực hay xảy ra bão, tố, lốc, lũ lụt, Thanh Hóa vẫn còn nhiều gia đình đang phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát, hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo điều kiện sống ổn định cũng như an toàn sinh mạng khi có thiên tai xảy ra.

Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tổng số hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở là 6.045 hộ và tổng số hộ cận nghèo là 2.472 hộ (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành). Tổng số vốn dự kiến thực hiện hơn 263 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.

Các hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ nằm trên địa bàn 6 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn gồm: huyện Thường Xuân, huyện Lang Chánh, huyện Bá Thước, huyện Quan Hóa, huyện Quan Sơn, huyện Mường Lát.

Theo rà soát đến ngày 31/5/2022, Thanh Hóa có: 67.684 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,77% (tăng 349 hộ) so với cuối năm 2021; tổng số hộ cận nghèo là 86.912 hộ, chiếm tỷ lệ 8,7%, tăng 86 hộ so với năm 2021.

Toàn tỉnh có 20.878 hộ không đảm bảo chất lượng về nhà ở; 19.058 hộ không đảm bảo về diện tích nhà ở bình quân đầu người. Chất lượng nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo đa phần bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo điều kiện sống ổn định, đặc biệt là các hộ gia đình thuộc dân tộc thiểu số, hộ nghèo neo đơn, tàn tật.

Các huyện, xã sẽ tổ chức giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn mẫu nhà, đồng thời tôn trọng nguyện vọng của người đân, không bắt buộc các hộ gia đình xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu. Tùy theo điều kiện cụ thể, người dân có thể xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình, nhưng đảm bảo tiêu chí nhà ở có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

Theo Đề án, năm 2023, Tỉnh thực hiện hỗ trợ khoảng 40% đối tượng, năm 2024 thực hiện hỗ trợ khoảng 30% đối tượng và năm 2025 thực hiện hỗ trợ khoảng 30% đối tượng còn lại.

Việc giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ quan trọng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo như: hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg; xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt theo Quyết định số 716/2012/QĐ-TTg; xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg; hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg.

Thông qua Đề án này, Thanh Hóa tiếp tục mục tiêu hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện khó khăn có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững./.

Cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Nỗ lực giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân