Theo báo cáo, trong mức tăng 5% toàn nền kinh tế Thành phố 6 tháng qua, khu vực dịch vụ tăng 5,99% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 4,17 điểm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,17%, đóng góp 0,49 điểm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,7%, đóng góp 0,32 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,85%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Quy mô nền kinh tế Thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 72.303 tỷ đồng, mở rộng hơn 7.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với hơn 5.837 tỷ đồng; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 690 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng hơn 525 tỷ đồng.
Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế Thành phố 6 tháng, khu vực dịch vụ chiếm 70,58%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 9,43%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,06%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,93%.
Đáng chú ý, khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố, quý 2/2024, khu vực dịch vụ tăng ước đạt 9,86% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 20,14%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 16,87%; hoạt động hành chính và hỗ trợ tăng 9,99%; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô-tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 8,99%; thông tin và truyền thông tăng 6,77%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,59 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu ước đạt 918 triệu USD, tăng 1,8%; nhập khẩu ước đạt 672 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023.
6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) Thành phố tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,6%; hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng nhẹ 0,3%; riêng hoạt động khai khoáng giảm 31,5%. Một số ngành có chỉ số IIP tăng đáng kể so với cùng kỳ như: Ngành dệt tăng 52,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 32%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 22,2%; sản xuất đồ uống tăng 20%; sản xuất máy móc thiết bị tăng 15,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 13,6%; ngành xây dựng tăng 4%.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Thành phố 6 tháng tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2023.
Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp cụ thể:
Sở Công Thương vừa tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành Thông báo số 1567/TB-SCT ngày 19/6/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ trong lĩnh vực công thương năm 2024. Theo đó, Sở Công Thương hỗ trợ 50% các chi phí như: Giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại.
Tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn Thành phố.
Huy động các nguồn lực để đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút khách du lịch; xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư; thẩm định hồ sơ đối với các dự án đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư. Rà soát dự án tại Khu Công nghệ cao đã được cấp phép nhưng chậm triển khai, có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật đầu tư.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư.
Đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình và tiến độ thực hiện hợp đồng; hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án theo đúng kế hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, giá trị các công trình, hạ tầng kỹ thuật của các dự án đầu tư công./.