Xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến từ ngày 01/7/2024
Thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ ngày 01/7/2024, các loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học (hiện nay là xác thực bằng thông tin khuôn mặt) bao gồm: Chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản/chuyển tiền liên ngân hàng trong nước/nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; Chuyển tiền ra nước ngoài; Thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày; Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số.
Để làm cơ sở xác thực giao dịch theo qui định, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng khi thực hiện giao dịch sẽ được kiểm tra và so khớp với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đã được cập nhật tại ngân hàng (có đối khớp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước hoặc được kiểm tra trực tiếp bởi cán bộ ngân hàng).
Tăng cường một lớp bảo vệ cho giao dịch trực tuyến của khách hàng
Xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt (Facepay) là một lớp xác thực bổ sung bên cạnh lớp xác thực hiện tại bằng tin nhắn OTP (SMS OTP) hoặc Smart OTP (khi thực hiện giao dịch với giá trị theo quy định, khách hàng phải xác thực sinh trắc học thành công mới có thể tiếp tục chuyển tiếp sang bước xác thực bằng SMS OTP hoặc Smart OTP). Việc triển khai Facepay giúp gia tăng bảo vệ khách hàng trước các diễn biến phức tạp của tình trạng gian lận lừa đảo, đánh cắp thông tin bảo mật và chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Với việc áp dụng Facepay, kể cả trong trường hợp dùng thủ đoạn đánh cắp thông tin của khách hàng thì kẻ gian cũng khó có khả năng thực hiện hành vi tẩu tán tài sản thông qua việc chuyển tiền giá trị lớn sang các tài khoản khác, và do đó, Facepay sẽ góp phần quan trọng giúp khách hàng giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Đây là bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, từ đó tạo dựng môi trường lành mạnh để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển sâu rộng và bền vững.
Giao dịch nào phải xác thực bằng sinh trắc học?
Xác thực bằng sinh trắc học áp dụng cho các giao dịch trực tuyến (online) trên ngân hàng số VCB Digibank với giá trị và hạn mức theo quy định. Với các giao dịch cơ bản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày như chuyển tiền/nạp ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở xuống, thanh toán toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí…với tổng giá trị giao dịch trong ngày dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần xác thực bằng sinh trắc học.
Ba cách đơn giản để cập nhật thông tin sinh trắc học tại Vietcombank
Thời gian qua, Vietcombank đã làm việc chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) -Bộ Công an để tích hợp hệ thống, đồng thời đầu tư vào hạ tầng công nghệ, trang thiết bị phục vụ và ứng dụng nhiều giải pháp hiện đại để mang lại trải nghiệm thuận tiện nhất cho khách hàng khi đăng ký/cập nhật thông tin sinh trắc học cũng như xác thực giao dịch bằng sinh trắc học. Hiện tại, khách hàng có thể đăng ký/cập nhật thông tin sinh trắc học bằng ba cách rất đơn giản, nhanh chóng như sau:
Một là, cập nhật trực tuyến thông qua kết nối App-to-App giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID. > Lựa chọn “Tài khoản định danh điện tử (VNeID)” và thực hiện theo hướng dẫn trên màn hình.
Để thực hiện, khách hàng cần có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 và cập nhật ứng dụng VCB Digibank phiên bản mới nhất. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên khai thác Hệ thống định danh và xác thực điện tử thông qua kết nối trực tiếp giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID. Tính năng này sẽ ra mắt từ ngày 01/7/2024.
Hai là, cập nhật trực tuyến thông qua kết nối NFC giữa căn cước công dân (CCCD) gắn chip và điện thoại. > Lựa chọn “Căn cước công dân gắn chip” và thực hiện theo hướng dẫn trên màn hình.
Trong quá trình thực hiện, khách hàng chỉ cần “chạm” CCCD gắn chip vào mặt sau của điện thoại để cập nhật và xác thực thông tin, đồng thời trước đó khách hàng lưu ý để sử dụng ứng dụng VCB Digibank phiên bản mớinhất.
Ba là, cập nhật trực tiếp tại các điểm giao dịch của Vietcombank. Trường hợp không có tài khoản định danh điện tử mức 2 hoặc điện thoại không có NFC hoặc chưa có CCCD gắn chip, hoặc vì một lý do nào đó mà không thể thực hiện được online, khách hàng có thể đến các điểm giao dịch của Vietcombank để cập nhật thông tin sinh trắc học. Danh sách các điểm giao dịch phục vụ cập nhật thông tin sinh trắc học được thông tin trên website của Vietcombank.
Khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng. Nếu thông tin cá nhân và thông tin sinh trắc học có thay đổi, khách hàng cần cập nhật bổ sung (không hạn chế số lần cập nhật). Đồng thời, khách hàng lưu ý, chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng VCB Digibank hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch của Vietcombank, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo.
Với các nền tảng sẵn có và việc chuẩn bị kỹ lưỡng, kịp thời, Vietcombank cam kết phục vụ khách hàngcập nhật và xác thực bằng sinh trắc học một cách thuận tiện nhất, giúp khách hàng giao dịch trực tuyến an toàn, đảm bảo tuân thủ các qui định của Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định 2345./.
ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Đối với khách hàng là người nước ngoài, do không có CCCD gắn chip và chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khách hàng cần đến trực tiếp điểm giao dịchcủa Vietcombank (bất kỳ điểm giao dịch nào) với hộ chiếu và giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú còn hiệu lực để xác thực hình ảnh chân dung khuôn mặt. Thời gian thực hiện rất nhanh chóng với vài phút.
Để thông tin đến khách hàng là người nước ngoài, Vietcombank đã gửi thông báo cụ thể qua tin nhắn OTT ngay trên ứng dụng VCB Digibank.