Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển nhanh
Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho biết, năm 2023 TP.HCM là địa phương có doanh số mua hàng thương mại điện tử cao nhất nước, đạt 6,2 tỷ USD chiếm 29% quy mô cả nước. Doanh số bán hàng thương mại điện tử (được tính theo vị trí đặt kho hàng) đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, tăng trưởng 37% so cùng kỳ, sản lượng đạt 440 triệu sản phẩm, tăng gần 45,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, TP.HCM có 23.870 website thương mại điện tử bán hàng (chiếm 47,2% cả nước), 319 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 43,5% cả nước)...
Thương mại điện tử tại TP.HCM phát triển rất nhanh cả về quy mô và chất lượng, tạo thành nền tảng để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, khi thực thi các thỏa thuận thương mại tự do. Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh trên phạm vi rộng, trở thành phương thức kinh doanh mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập liên quan đến chất lượng, xuất xứ hàng hóa và thất thu thuế. Nhiều người bán hàng không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu với cơ quan quản lý Nhà nước, không công khai hoặc công khai không chính xác tài khoản giao dịch và thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn...Một số doanh nghiệp nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh hoạt động kinh doanh cũng rất sôi động nhưng ngành thuế không thu được thuế, vì hàng hóa giao dịch qua đường chuyển phát nhanh.
Trước thực trạng này, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh giao các cơ quan chức năng của thành phố như thuế, hải quan, quản lý thị trường, ngân hàng nhà nước, Sở Thông tin và truyền thông phối hợp chặt chẽ trong việc chống thất thu thuế.
Vừa qua, Cục Thuế TP.HCM đã rà soát, đưa vào quản lý 11.606 người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Doanh thu quản lý thuế đối với nhóm hoạt động này là 562.047 tỷ đồng, với tổng số thuế phải nộp qua kê khai là 7.373 tỷ đồng.
Giải pháp quản lý thuế hiệu quả đối với kinh doanh thương mại điện tử
Với xu thế phát triển chung, TP.HCM được xem là điểm nóng về thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Địa phương cũng đã có những bước đi tiên phong trong lĩnh vực quản lý thuế thời gian qua và có những hiệu quả tích cực.
Theo Cục Thuế TP.HCM, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cơ quan thuế sẽ chủ động làm việc với các Sở Thông tin và Truyền thông, Công Thương để xây dựng chương trình/đề án tổng thể quản lý trước mắt và lâu dài; đồng thời xây dựng làm giàu cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử. Đây được xem là cơ sở để cơ quan thuế khai thác hiệu quả thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số. Từ đó, lập kế hoạch quản lý thuế, chống thất thu thuế, rà soát và xử lý nợ thuế theo quy trình, quy định.
Thời gian qua, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với một số ngân hàng thương mại trên địa bàn đề nghị cung cấp dữ liệu dòng tiền giao dịch chuyển từ nước ngoài về cho các tổ chức, cá nhân trong nước có nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Apple, Netflix, …) do cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số. Đồng thời, cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ thuế phải nộp của các tổ chức nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam do cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google (dịch vụ quảng cáo…), Apple (dịch vụ lưu trú dữ liệu trên đám mây, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến…), Netflix (dịch vụ xem phim trực tuyến), Agoda, Booking.com (dịch vụ đặt phòng trực tuyến)… trước khi chuyển tiền ra nước ngoài, theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Từ đó, cơ quan thuế sẽ kiểm tra tính tuân thủ pháp luật thuế của các đơn vị. Đồng thời, lập danh sách và thực hiện rà soát, kiểm tra về thuế (đăng ký và kê khai nộp thuế) đối với các cá nhân là người nổi tiếng, người sáng tạo nội dung tại Việt Nam trên những nền tảng mạng xã hội Facebook, Tikok, Youtube... Cơ quan thuế cũng sẽ phối hợp thông qua những công ty đối tác của Google, Facebook, Tiktok... tại Việt Nam để xác minh thu nhập của các Youtuber, Tiktoker và người nổi tiếng.
Ngoài việc phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, để có thông tin truy vết dòng tiền, quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số hiệu quả, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh còn triển khai một số biện pháp khác như tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tự giác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định; xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng trên nền tảng số cho cơ quan thuế; thanh tra, kiểm tra các DN cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, nhất là trường hợp các đơn vị giao nhận được uỷ quyền thu tiền khi giao hàng (hình thức COD), trong đó có kiểm tra việc cung cấp dữ liệu đầy đủ theo quy định.
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các DN là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử đề nghị các tổ chức, cá nhân bán hàng, cung cấp dịch vụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định; đồng thời cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho cơ quan thuế định kỳ theo quý; thanh tra, kiểm tra các DN là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử về thực hiện nghĩa vụ thuế, trong đó kết hợp rà soát kiểm tra chế độ cung cấp dữ liệu các tổ chức, cá nhân bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ trên các sàn do DN sở hữu cho cơ quan thuế.