Khắc phục tình trạng“bao cấp qua giá”
Thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công, các dịch vụ y tế đã được chuyển từ “thu một phần viện phí” sang cơ chế “giá dịch vụ” và theo quy định của pháp luật về giá. Giá dịch vụ y tế từng bước được tính đúng, tính đủ, chuyển dần theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế trên cơ sở hệ thống các danh mục dịch vụ, vật tư, thiết bị y tế và hệ thống đơn giá. Đến nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh được cơ cấu xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. NSNN chuyển dần từ cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua bảo hiểm y tế (BHYT).
Đây là bước đổi mới cơ bản, quan trọng về tài chính y tế, khắc phục tình trạng “bao cấp qua giá”, để các cơ sở y tế hoạt động trong nền kinh tế thị trường, thực hiện tự chủ tài chính, tăng sự lựa chọn của người sử dụng dịch vụ, đồng thời thúc đẩy người dân tham gia BHYT, nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân.
Bộ Y tế đánh giá, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế được thực hiện theo lộ trình thận trọng, hợp lý đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc đổi mới này cũng góp phần làm giảm và tiến tới xóa bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực công và tư, tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển bình đẳng với y tế công lập... Đây là một cải cách lớn của ngành sau gần 20 năm đổi mới giá dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, việc thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm, đến nay mới tính một phần tiền lương và chi phí trực tiếp, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao. Cơ cấu của giá dịch vụ y tế chưa hợp lý, bình quân chi tiền thuốc, hóa chất, vật tư chiếm tới 70 - 80% nên mặc dù đã có tiền lương nhưng chi phí tiền lương trong giá dịch vụ còn rất thấp, theo mức lương cơ sở, hệ số lương và nhân lực hiện có, chưa tính theo định mức nhân lực để thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.
Hoàn thiện các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật
Cũng theo Bộ Y tế, các quy định về giá dịch vụ y tế hiện nay còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh cũng như quyền lợi của người bệnh.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - dẫn chứng: Văn bản quy định về giá dịch vụ y tế không đáp ứng đủ theo tên các danh mục kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt. Khi Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc được ban hành thì đã không đủ các danh mục kỹ thuật so với Thông tư số 43/2013/TT-BYT. Kể cả 6 lần Bộ Y tế ban hành các quyết định phiên tương đương để áp dụng giá của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC thì cũng mới đáp ứng được 8.984/17.216 danh mục kỹ thuật.
Tiếp đến Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp thì cũng chỉ có mã cho 1.900 danh mục cộng với quyết định phiên tương tương của 9.190 danh mục kỹ thuật. “Số danh mục không hoặc chưa được phiên tương đương đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là trong việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT” - ông Quang nói.
Bất cập này cũng đã được KTNN đề cập qua thực tế kiểm toán Chuyên đề Việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2018. Kết quả kiểm toán chỉ rõ, Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; chưa ban hành đầy đủ quy định chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT để đảm bảo việc chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả, ngăn ngừa trục lợi Quỹ BHYT…
Từ thực tế trên, KTNN kiến nghị Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT đảm bảo các quy định được xây dựng đầy đủ, phù hợp, trong đó quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy trình khám, chữa bệnh và hướng dẫn điều trị theo quy định của Luật BHYT, để đảm bảo việc chỉ định hợp lý, hiệu quả và làm cơ sở thực hiện việc phiên tương đương dịch vụ kỹ thuật phù hợp. Đồng thời, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tăng cường phối hợp, rà soát toàn diện các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá vật tư y tế làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT phù hợp quy trình chuyên môn nghiệp vụ và đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí theo quy định.
ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 18-7-2019