Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp

(BKTO) – Cổ phần hóa DN chậm; khó khăn trong giải ngân vốn ODA; vi phạm trong quản lý đất lâm nghiệp… là những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.



                
   

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

   

Cổ phần hóa DN mới đạt 30% kế hoạch

Chiều 09/6, sau khi báo cáo thêm một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề là nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn về tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN thực hiện còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra, gây lãng phí lớn nguồn lực của Nhà nước. Đại biểu cho rằng, tồn tại này không mới và trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân cũng như giải pháp.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ hơn trách nhiệm đối với hạn chế này và cho biết đã xử lý trách nhiệm ai chưa và nếu chưa thì tại sao lại chưa xử lý?
                
   

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

   

Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng khẳng định, chủ trương cổ phần hóa đã được Đảng, Nhà nước đặt ra và đã có kế hoạch thực hiện, triển khai.

Giai đoạn 2016-2020 đã có danh mục cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 128 DN, thoái vốn 348 DN. Đến năm 2020 đã cổ phần hóa 39/128 DN; thoái vốn tại 106/348 DN, đạt 30% kế hoạch.

Giai đoạn 2021 đến tháng 4/2022, theo quyết định của Thủ tướng, hiện các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DN chưa hoàn thành theo danh mục đã đưa ra từ năm 2016-2020.

Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, việc cổ phần hóa không theo đúng kế hoạch, mới chiếm 30% kế hoạch.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân là các DN cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn vừa qua bao gồm nhiều DN lớn, có tình hình tài chính phức tạp, đất đai, là những vấn đề cần giải quyết trước khi cổ phần hoá.

Nguyên nhân nữa là nhiều quy định về cổ phần hóa, thoái vốn được bàn hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, nên quy trình thực hiện dài hơn. Các DN phải thực hiện lại từ đầu, hoặc một số nội dung công đoạn trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.

Cùng với đó là nguyên nhân từ việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nhiều DN chỉ đến khi cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý một số vấn đề như xử lý đất đai theo quy định.

Về nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi các văn bản luật liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh cổ phần hóa trong thời gian tới.

Sửa đổi chính sách, đẩy nhanh giải ngân vốn ODA

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) về những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, vốn ODA huy động được là nguồn vốn hết sức quan trọng, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo con số có được, cho đến nay, tổng số nguồn vốn ODA đã thực hiện là 21 tỷ USD. Riêng năm 2022, dự kiến huy động nguồn vốn vay ưu đãi là 2,5 tỷ USD. Đây là nguồn lực huy động hết sức cần thiết và không dễ dàng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, thời gian vừa qua, việc giải ngân nguồn vốn ODA rất thấp. Điển hình như 5 tháng đầu năm nay, như báo cáo của Chính phủ, mức giải ngân là 6,26%.

Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021, đầu năm 2022. Bên cạnh đó, thủ tục, quy trình giữa Việt Nam và các nhà tài trợ còn có sự khác biệt. Nguyên nhân nữa là vấn đề giải phóng mặt bằng nói chung của các nguồn vốn đầu tư công còn chậm.

Về chủ quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, năng lực giải ngân còn hạn chế. Đồng thời, việc bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA còn khó khăn.
                
   

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

   

Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới Chính phủ đang chỉ đạo rà soát lại và hoàn thiện cơ sở pháp lý. Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định 56/2020/NĐ-CP, Nghị định 114/2021/NĐ-CP vừa ban hành cuối năm 2021 nhưng tiếp tục phải sửa đổi để đáp ứng được việc thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Đồng thời tăng cường, khẩn trương rà soát lại các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với nhà tài trợ, thủ tục giải ngân nguồn vốn ODA. “Trong thời gian tới sẽ cương quyết vấn đề xem xét điều chuyển nguồn vốn hoặc hủy nguồn vốn nếu sử dụng không hiệu quả” – Phó Thủ tướng khẳng định.

San ủi đất lâm nghiệp trái phép do buông lỏng quản lý

Chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) phản ánh, thời gian qua, tình trạng san ủi đất lâm nghiệp, đất đồi núi không phù hợp với quy hoạch để phân lô sang nhượng trái phép diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có giải pháp gì để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.

Phản hồi ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết, thực tế có tình trạng san ủi đất lâm nghiệp ở các địa phương.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lợi nhuận lớn từ chiếm dụng đất đai, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên sau khi chuyển đổi mục đích; đồng thời có sự yếu kém trong buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương; công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa đúng và chưa được kiểm tra, giám sát, các quy hoạch chuyên ngành của địa phương không liên thông và thống nhất, đồng bộ.

Về công tác chỉ đạo, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ra đưa ra một số các chỉ thị chỉ đạo, cụ thể là tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 3/5/2022 mới đây, Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tích cực chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, phân lô, bán nền.

Cùng với đó, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã giao tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng; khẩn trương hoàn thiện các quy định quản lý đất đai, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trước đó, Chỉ thị 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/8/2021 cũng đã nhấn mạnh công tác về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp và giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Đoàn kiểm tra đi kiểm tra các địa phương về tình trạng này; yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt các quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất, trong đó có quy hoạch rừng./.
Đ. KHOA


Cùng chuyên mục
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp