Tháo gỡ khó khăn để thực hiện Chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” kịp thời, hiệu quả

(BKTO) - Ban Quản lý Chương trình Trung ương đã làm việc trực tiếp với 16 tỉnh thụ hưởng nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các địa phương có thể triển khai Chương trình ngay sau khi được giao vốn.

08.3.2023-tin-khac-15.jpg
Đoàn công tác của Ban Quản lý Chương trình Trung ương làm việc với Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng về việc
triển khai thực hiện Chương trình. Ảnh: Bộ Y tế

Chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 88,6 triệu USD với mục tiêu hỗ trợ mạng lưới y tế cơ sở tại 16 tỉnh khó khăn (bao gồm Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Bình Phước, Cà Mau và Sóc Trăng).

Chương trình được triển khai thực hiện từ năm 2019-2025 theo phương thức hòa đồng ngân sách nhà nước trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025.

Mặc dù Hiệp định vay của Chương trình bắt đầu có hiệu lực từ ngày 04/2/2020, nhưng do nhiều nguyên nhân (trong đó chủ yếu là rào cản thủ tục hành chính pháp lý liên quan tới Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), Chương trình bị đình trệ trong một thời gian dài và tới nay đã phải 3 lần thực hiện gia hạn thời gian kết thúc giải ngân của khoản vay.

Sau nhiều nỗ lực của Bộ Y tế, Ban Quản lý Chương trình Trung ương và các bên liên quan trong việc tháo gỡ những rào cản liên quan tới thủ tục hành chính, đến nay, Chương trình đã đủ điều kiện để rút vốn vay.

Như vậy, Chương trình chỉ còn khoảng 2,5 năm để triển khai thực hiện và hoàn thành toàn bộ các hoạt động vốn được thiết kế cho khung thời gian 5 năm. Bên cạnh đó, đây là Chương trình có cơ chế lồng ghép hoàn toàn mới (nằm trong khung tổng thể của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới), chưa có tiền lệ triển khai trước đây của ngành y tế.

Những yếu tố bất lợi này đang đặt Chương trình, vốn có tầm quan trọng đặc biệt với việc nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở tại 16 tỉnh khó khăn, trước những thách thức rất lớn.

Với quyết tâm phải hoàn thành Chương trình đúng tiến độ, mang lại lợi ích kịp thời về y tế cơ sở cho người dân ở các vùng khó khăn trên địa bàn 16 tỉnh, ngay sau khi nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH15 được ban hành (ngày 14/12/2022), xét thấy khả năng đáp ứng đủ điều kiện để rút vốn vay trước thời hạn đóng sổ 31/3/2023 hoàn toàn khả thi, Ban Quản lý Chương trình Trung ương đã một mặt đề xuất với Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thành các thủ tục pháp lý để được giao vốn và chuẩn bị đủ điều kiện rút vốn vay.

Mặt khác, Ban Quản lý Chương trình Trung ương đã tổ chức các Đoàn công tác liên tục trong thời gian từ tháng 12/2022 đến đầu tháng 03/2023 trực tiếp tới làm việc với toàn bộ 16 tỉnh được tiếp nhận khoản vay để đảm bảo các tỉnh dành ưu tiên cao nhất cho việc triển khai thực hiện Chương trình; đồng thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo các tỉnh có thể triển khai Chương trình ngay sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao vốn nước ngoài năm 2023.

Theo đó, các Đoàn công tác đã làm việc với Sở Y tế/Ban Quản lý Chương trình tỉnh, đại diện các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… để phân tích, thảo luận những vấn đề còn tồn tại cũng như những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục, bao gồm những nhóm vấn đề về năng lực quản trị Chương trình (kiện toàn bộ máy tổ chức, bố trí nhân lực phù hợp, đảm bảo sự chỉ đạo sát của UBND tỉnh và sự hỗ trợ liên ngành…), về thủ tục hành chính pháp lý (phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình), về quản lý tài chính (bố trí đủ vốn đối ứng của địa phương), cũng như về kỹ thuật (điều chỉnh danh mục và tổng mức đầu tư phù hợp với nhu cầu thực tế).

Bên cạnh đó, Đoàn công tác của Ban Quản lý Chương trình Trung ương cũng dành thời gian trao đổi với các tỉnh một số vấn đề về thực trạng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở của các địa phương và phương hướng đầu tư đổi mới mạng lưới y tế cơ sở trong thời gian tới./.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ khó khăn để thực hiện Chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” kịp thời, hiệu quả