Tháo gỡ vướng mắc về chính sách giá điện, thị trường điện

(BKTO) - Sáng 18/7, trong khuôn khổ hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Đoàn giám sát phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” dự Hội thảo.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng đã bám sát chủ trương của Đảng, có những bước phát triển nhanh chóng, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành năng lượng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giám sát chuyên đề về vấn đề này.

Ông Lê Quang Huy nhấn mạnh, trong lĩnh vực năng lượng, ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng, phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Chính sách giá điện, thị trường điện ở nước ta là những vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển ngành điện, có mối quan hệ mật thiết với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta.

Kết quả Hội thảo sẽ giúp Đoàn giám sát có thêm cơ sở để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất, kiến nghị “đúng” và “trúng” nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước mắt. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nói chung, trong đó có chính sách, pháp luật về giá và thị trường điện, hướng tới mục tiêu dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương, các tập đoàn, doanh nghiệp, chuyên gia đã tập trung thảo luận, phân tích về: chính sách, pháp luật về giá điện, thị trường điện Việt Nam; tác động của bối cảnh quốc tế, khu vực đến giá điện, thị trường điện Việt Nam; tác động của giá điện, thị trường điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu cũng thảo luận về việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giá điện, thị trường điện; công tác quản lý nhà nước đối với giá điện, thị trường điện, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành giá điện, thị trường điện, tái cơ cấu ngành điện, mô hình tổ chức quản lý cả ở góc cạnh quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp…

180720230148-img_9334.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua ý kiến tại Hội thảo cũng như ý kiến của cử tri và các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ cho thấy, chính sách giá điện của nước ta thời gian qua đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, chính sách giá điện, thị trường điện cũng còn nhiều bất cập, hạn chế.

Có ý kiến cho rằng, cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và bảo đảm lợi nhuận hợp lý. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện. Cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần…

Cùng với đó, công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trong đó có thị trường điện thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực năng lượng. Việc hình thành thị trường điện triển khai chậm, nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng điện.

Chính sách giá năng lượng sơ cấp còn bất cập, có ý kiến cho rằng cần rà soát, đánh giá lại việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ điện… để tiêu thụ điện hiệu quả. Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện; chưa dự báo tốt và tính toán đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng khu vực và thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những vấn đề trên đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải có cách làm mới, giải pháp đột phá để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục cùng với VUSTA, các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo để xây dựng Báo cáo tổng thuật, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, trong đó đặc biệt quan tâm những đề xuất thực chất, hiệu quả, “đúng” và “trúng”, giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam trước mắt, cũng như lâu dài.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ vướng mắc về chính sách giá điện, thị trường điện