Tháo gỡ vướng mắc về tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập

(BKTO) - Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 60) có hiệu lực từ ngày 15/8/2021 từng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trong quá trình đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định đã phát sinh một số bất cập.

15.jpg
Việc xác định mức độ tự chủ của các ĐVSNCL theo Nghị định 60 còn chưa khách quan. Ảnh sưu tầm

Chưa áp dụng cơ chế tiền lương mới và tính đủ chi phí vào giá dịch vụ

Ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết: Nghị định 60 đã thể hiện các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TƯ năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL (Nghị quyết 19) và Nghị quyết số 27/NQ/TƯ năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết 27). Trong đó, quy định theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ cho các đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính, quy định rõ về cơ chế giá cung cấp dịch vụ, quy định rõ cơ sở pháp lý sử dụng tài sản công trong liên doanh liên kết…

Tuy nhiên, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 60, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các ĐVSNCL, đặc biệt là đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, ngày 13/11/2021, Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Do đó, các đơn vị khi phê duyệt phương án tự chủ tài chính chưa thể thực hiện ngay việc chi trả thu nhập cho người lao động theo cơ chế tiền lương mới như quy định tại Nghị quyết 27 và Nghị định 60. Điều này dẫn đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định theo Nghị định 60 còn chưa khách quan và chính xác. Vì vậy, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về phương án phân loại tự chủ tài chính của ĐVSNCL năm 2022 cho phép các ĐVSNCL được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt cho đến hết năm 2022.

Hơn nữa, Nghị quyết 19 yêu cầu lộ trình tính đủ giá chi phí cung cấp dịch vụ công sau năm 2021. Lĩnh vực dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế cũng phải xây dựng giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao và chi phí quản lý. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lộ trình này chưa đạt kế hoạch đề ra. Về nguyên tắc, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có thu đủ bù chi, muốn các đơn vị sự nghiệp phát triển khi cung cấp dịch vụ công thì phải đảm bảo thu bù chi, nhưng chi phải trong định mức và có sự giám sát của cơ quan liên quan. Đồng thời, tăng tự chủ phải tăng trách nhiệm giải trình, khi tăng giá phải đảm bảo tăng chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, Nghị định 60 quy định, khi Nhà nước giao nhiệm vụ, Nhà nước sẽ bố trí kinh phí tương xứng để thực hiện. Do vậy, đối với các đơn vị tự chủ toàn bộ (cả chi đầu tư và chi thường xuyên), ví dụ như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K trong trường hợp Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở A, trang bị máy B theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn hỗ trợ theo nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn rõ hơn nội dung này để các đơn vị triển khai thực hiện…

Sẽ sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp thực tiễn

Từ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 60, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong việc thẩm định phương án tự chủ tài chính để tạo điều kiện cho các đơn vị có điều kiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động. Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 cho phù hợp với thực tiễn, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của ĐVSNCL, qua đó nâng cao mức độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL và tăng cường quản lý NSNN theo kết quả đầu ra thông qua việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.

Đến nay, Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến của 9/27 Bộ, cơ quan trung ương, 42/63 địa phương. Qua đó, Ban soạn thảo nhận thấy có 5 vấn đề cần được bổ sung, chỉnh sửa. Đó là: Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; kinh phí hỗ trợ từ NSNN đối với các ĐVSNCL; nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của đơn vị nhóm 3 và nhóm 4; giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công có ĐVSNCL trực thuộc; sử dụng Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp.

Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, trong thời gian hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định 60, theo thẩm quyền được giao, lãnh đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần thể chế hóa các quy định tại Nghị định 60, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tự chủ. Các đơn vị sự nghiệp cũng phải nâng cao trách nhiệm tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Đơn vị tự chủ nhưng phải có sự giám sát của tập thể đơn vị và toàn xã hội thì tự chủ mới thành công./.

Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2021, trong tổng số 48.055 đơn vị sự nghiệp công lập, có 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên. Trong đó, 287 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm 0,6% và 2.848 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm 5,97%. Như vậy, số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên tương ứng 6,6% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương, chưa đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2021 có 10% đơn vị tự chủ tài chính. Cùng với đó, có 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chiếm 18,7% nhưng mức độ tự bảo đảm một phần còn thấp. Số đơn vị do NSNN vẫn phải bảo đảm chi thường xuyên là 35.687, chiếm 74,7%.

Cùng chuyên mục
  • “Xây” lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã khiến thị trường này rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin. Theo đó, việc “xây” lại niềm tin cho thị trường được coi là vấn đề quan trọng. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.
  • Sửa biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi: Đảm bảo thực thi cam kết quốc tế và lợi ích cho doanh nghiệp
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (Biểu thuế). Việc xây dựng Biểu thuế mới nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan, các cơ quan liên quan và người nộp thuế.
  • Đã đến lúc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng!
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Sau 12 năm thực thi, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Thậm chí, một số quy định chưa theo kịp thực tiễn hoạt động ngân hàng với nhiều vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi vậy, đã đến lúc, Luật này cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
  • VCCI đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.
  • Tăng cường phối hợp trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giữa Việt Nam - Campuchia
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Ngày 12/10, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia phối hợp tổ chức Hội nghị hợp tác củng cố an ninh, trật tự (ANTT) tuyến biên giới giữa lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và lực lượng Công an quốc gia Campuchia.
Tháo gỡ vướng mắc về tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập