Thầy giáo, cô giáo phải xứng đáng là “những người anh hùng vô danh”

(BKTO) - Tục ngữ Việt Nam có câu: “Không thầy đố mày làm nên” để nhấn mạnh vai trò to lớn của giáo dục và người thầy làm nghề dạy học. Tinh thần này ngày càng được chú trọng trong thực tiễn cuộc sống của xã hội ta.

2(4).jpg
Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958. Ảnh tư liệu.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam” và xác định: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Để thực hiện tốt mục tiêu chiến lược đó, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải có những giải pháp tích cực, đồng bộ, toàn diện, trong đó có việc phải xây dựng được đội ngũ thầy giáo, cô giáo vừa hồng, vừa chuyên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy và học. Người đặc biệt chú ý nhấn mạnh vai trò đội ngũ giáo viên. Tại lớp học chính trị của giáo viên, tháng 8/1959, Người chỉ rõ vai trò, trách nhiệm to lớn của các thầy, cô giáo: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”. Ngày 21/10/1964, nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương, khen ngợi: “Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”. Khi nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hồ Chủ tịch yêu cầu: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”.

Hồ Chủ tịch cũng nêu rõ vai trò quan trọng, ý nghĩa sâu sắc việc nêu gương của các thầy giáo, cô giáo đối với học sinh: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng”. Người nêu ra cụ thể trong bài viết “Lời căn dặn giáo viên mẫu giáo” đăng Báo Nhân dân ngày 23/9/1959: “Công tác giáo viên và mẫu giáo có khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích đào tạo những người công dân tốt, cán bộ tốt cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội. Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức. Anh chị em giáo viên và mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo”.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công việc của các thầy giáo, cô giáo ngày nay không phải là kiếm cơm bằng cách gõ đầu trẻ, mà các thầy, các cô chính là những người có nhiệm vụ rất vẻ vang, phụ trách đào tạo các công dân tiến bộ, các cán bộ tốt cho đất nước, cho dân tộc. Vì vậy, các thầy giáo, cô giáo phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em. Vì vậy, Người yêu cầu các thầy giáo, cô giáo phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu tiến bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mình. Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn ngành giáo dục, tháng 02/1956, Người phát biểu: “Các cô, các chú đã thấy trách nhiệm to lớn của mình, đồng thời cũng thấy khả năng của mình, cần được nâng cao thêm lên mãi mới làm tròn nhiệm vụ được. Vì thế, các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi, thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”. Theo Người, muốn thực hiện tốt điều đó thì các thầy giáo, cô giáo phải luôn chú ý cả về tài và đức, trong đó tài là văn hóa, chuyên môn, còn đức là chính trị.

Đồng thời, Hồ Chủ tịch luôn chú trọng, nhắc nhở mối quan hệ hữu cơ, cộng đồng xã hội cùng chung sức, đồng lòng phối hợp dạy dỗ, giáo dục, quản lý học sinh. Người chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường, gia đình và xã hội: “Cha mẹ, thầy giáo và cô giáo, cùng các đoàn thể là những người trực tiếp phụ trách giáo dục nhi đồng”. Trong đó, Người nhấn mạnh các thầy giáo, cô giáo phải thực hiện tốt tinh thần đoàn kết ở nhà trường cũng như ngoài xã hội. Nói chuyện với Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, ngày 17/8/1962, Người khuyên dạy các thầy giáo, cô giáo phải chú trọng xây dựng đoàn kết giữa các thầy giáo, cô giáo với nhau, đoàn kết giữa các thầy giáo, cô giáo với học trò, giữa học trò với học trò và đoàn kết giữa thầy giáo, cô giáo, học trò với nhân dân địa phương.

Thực hiện tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến giáo dục, coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước được triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ và sự vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó có nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo đã đem lại hiệu quả thiết thực cho giáo dục đào tạo. Chúng ta đã và đang ngày càng chú trọng đến đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, phát huy sức mạnh của đội ngũ giáo viên. Trên thực tế, đội ngũ thầy giáo, cô giáo đã hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình, xứng đáng là những người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp trồng người ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế, khuyết điểm xuất hiện trong lĩnh vực này. Nhất là thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều giáo viên bỏ việc, chuyển việc. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2021-2022, trên phạm vi cả nước có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục và đào tạo; tình trạng thiếu giáo viên, thừa sinh viên sư phạm vẫn tiếp tục diễn ra… Đó thật sự là những vấn đề phức tạp, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó có đội ngũ các thầy giáo, cô giáo phải chung sức, đồng lòng cùng phối hợp, đồng thuận để khắc phục. Chỉ có bằng sự nỗ lực của cả cộng đồng với quyết tâm cao, giải pháp tích cực, đồng bộ, chúng ta mới có thể xây dựng được đội ngũ những người thầy vừa hồng, vừa chuyên, đảm bảo cả về số lượng cũng như chất lượng, theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”./.

Cùng chuyên mục
Thầy giáo, cô giáo phải xứng đáng là “những người anh hùng vô danh”