Thể chế hóa quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm

(BKTO) - Sáng 11/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

thi-thanh-1683780241193.jpg
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: daibieunhandan.vn

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, việc sửa đổi Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Đồng thời bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị quyết nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13 tập trung sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn những điều, khoản chưa phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ.

Ngoài ra, rà soát các quy định của Hướng dẫn số 321/HD-UBTVQH14 ngày 02/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lấy phiếu tín nhiệm là đúng, hợp lý để bổ sung vào Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết giữ nguyên kết cấu 18 điều như Nghị quyết số 85/2014/QH13, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung 03 Biểu mẫu mới.

Phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Nghị quyết cơ bản giữ nguyên như Nghị quyết số 85/2014/QH13 và điều chỉnh một số nội dung như: bỏ chức danh Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019 không còn quy định chức danh này; đổi cụm từ “các thành viên khác của Ủy ban nhân dân” thành cụm từ “các Ủy viên của Ủy ban nhân dân” cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Đồng thời sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm (điểm 6 Điều 1) để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 96-QĐ/TW.

Về nguyên tắc, căn cứ và quy trình lấy phiếu tín nhiệm, Dự thảo Nghị quyết bổ sung nguyên tắc và căn cứ lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW; bổ sung thêm một số quy định cụ thể về trình tự, thủ tục; quy định về số lượng tối thiểu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự phiên họp lấy phiếu tín nhiệm.

Dự thảo Nghị quyết đã thể chế các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; sửa đổi, bổ sung Điều 15 Dự thảo Nghị quyết về hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm cho phù hợp với hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời, bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung chủ yếu của Nghị quyết bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; mục đích, yêu cầu, nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm; phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc xác định phiếu hợp lệ; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; điều khoản thi hành.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Quốc hội xem xét theo quy trình 1 kỳ họp để ban hành.

Tờ trình phải giải trình đầy đủ, thuyết phục về những nội dung mới, các quy định mở rộng, từ tên gọi của Dự thảo Nghị quyết, khái niệm, thiết kế bố cục cũng như nội dung cụ thể.

Đồng thời, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến trong phiên họp, nhất là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về làm rõ phạm vi, đối tượng, hệ quả của lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ và tính khả thi về thời hạn xin từ chức, miễn nhiệm với người có tín nhiệm thấp, thiết kế các phương án để báo cáo Quốc hội./.

Cùng chuyên mục
  • Đánh giá đầy đủ kết quả, những hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Qua giám sát chuyên đề và sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15, Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
  • Luật hóa vấn đề tài chính đất đai và giá đất
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần luật hóa vấn đề tài chính đất đai và vấn đề liên quan đến giá đất để người dân, doanh nghiệp biết.
  • Khai mạc Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 09/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 23. Dự kiến, trong 4 ngày làm việc (từ 09-12/5), UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
  • Thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Qua thẩm tra, các ý kiến nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
  • Quy hoạch báo chí, xuất bản phải đột phá, phù hợp xu thế phát triển
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), sáng 4/5, tại Hà Nội.
Thể chế hóa quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm