Luật hóa vấn đề tài chính đất đai và giá đất

(BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần luật hóa vấn đề tài chính đất đai và vấn đề liên quan đến giá đất để người dân, doanh nghiệp biết.

110520230257-z4335994958009_e3c5f64ad898789ddbe7f32ccd000c9f.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trình bày tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự thảo Luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất; bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất.

Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: Phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Đây là cơ sở để sửa đổi Luật Đất đai.

Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.

Theo Phó Thủ tướng, Dự thảo Luật tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.

Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định các nguồn thu ngân sách từ đất đai và quy định việc điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; rà soát, bổ sung các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định chi tiết thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp.

Quy định cụ thể, rõ ràng về phương pháp định giá đất

Thẩm tra Dự án luật, liên quan đến nội dung tài chính về đất đai, giá đất, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, quy định tại Điều 154 về phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường chưa rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; đất đai là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

110520230434-z4336407234743_b5515edacf68f8b150ffc0192803c877.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo, làm rõ, bổ sung đánh giá tác động cụ thể, nhất là tính khả thi của quy định, trong đó đề nghị đánh giá tác động kinh tế - xã hội đến các đối tượng khác nhau nếu có sự thay đổi về phương pháp, cách thức định giá đất.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trong Dự thảo Luật về nội dung các phương pháp định giá đất và trường hợp, nguyên tắc áp dụng phương pháp cụ thể để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về bảng giá đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể trong Luật về việc xây dựng và áp dụng bảng giá đất vì đây là cấu thành của cơ chế xác định giá đất như Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trong Dự thảo Luật về các phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng cụ thể để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong định giá đất. Có ý kiến đề nghị thu hẹp các phương pháp định giá đất, cân nhắc ưu tiên sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh…

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, Dự thảo Luật có rất nhiều điều giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết hoặc là thực hiện theo quy định của Chính phủ, trong đó có nội dung rất quan trọng là tài chính đất đai, phương pháp, cách thức, trình tự, thủ tục tính giá đất.

“Đây là những vấn đề đại sự, rất lớn, người dân đặc biệt quan tâm, cần phải luật hóa vấn đề tài chính đất đai và vấn đề liên quan đến giá đất để người dân, doanh nghiệp còn biết” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng cho rằng, nội dung quy định bảng giá đất được ban hành hằng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhân dân.

Nhất trí quan điểm của cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh, việc xây dựng bảng giá đất rất mất thời gian, do vậy, đề nghị cần cân nhắc có nên áp dụng trong thời gian dài hơn hay không?

Lưu ý Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ông Lê Quang Huy cũng đề nghị cần thể hiện rõ quy trình kiểm tra, giám sát việc xây dựng bảng giá đất ngay trong Luật./.

Cùng chuyên mục
Luật hóa vấn đề tài chính đất đai và giá đất