
Dự thảo Nghị quyết gồm 3 Chương với 12 Điều, được xây dựng theo 6 nhóm chính sách lớn: Quản lý đầu tư; Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng.
Dự thảo Nghị quyết phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hải Phòng trong chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, rút ngắn thời gian thực hiện, góp phần thúc đẩy sớm thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các khu bến cảng theo quy hoạch được duyệt trong thời gian sớm nhất, sớm đưa các dự án vào vận hành khai thác nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo đột phá về hạ tầng giao thông kết nối, liên vùng, phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.
Đối với các chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, cơ quan soạn thảo đề xuất 5 chính sách, trong đó, tiếp tục thực hiện thí điểm chính sách Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất chính sách mới: “Thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon”.
Đối với các chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng 7 chính sách, trong đó, thí điểm cho phép TP. Hải Phòng thực hiện trình tự thủ tục rút gọn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết; UBND Thành phố được cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm logistics phục vụ cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa trên địa bàn Thành phố có quy mô trên 50ha.
Dự thảo Nghị quyết quy định thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại TP. Hải Phòng (Khu TMTD Hải Phòng) được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu TMTD Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng, gồm: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Các khu chức năng đáp ứng điều kiện khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật được bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng trong Khu TMTD Hải Phòng đáp ứng điều kiện khu phi thuế quan với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với Khu TMTD Hải Phòng, Dự thảo Nghị quyết quy định Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Hải Phòng.
Trao đổi tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định, các đại biểu đề nghị: sửa điểm e, khoản 1, điều 10 Dự thảo Nghị quyết thành “Người nước ngoài hoạt động, làm việc, đầu tư, kinh doanh tại Khu TMTD Hải Phòng và thân nhân, vợ chồng, con dưới 18 tuổi được rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp thị thực so với quy định chung; nhà đầu tư, chuyên gia quan trọng do Chính phủ quy định được cấp thị thực nhiều lần với thời hạn đến 5 năm hoặc thẻ tạm trú đến 10 năm”.
Sửa nội dung “UBND Thành phố tổ chức quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia qua địa bàn Thành phố” tại khoản 2, điều 6, Dự thảo; bổ sung chế tài trong việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí.
Cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng nội dung đánh giá tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; các hiệp định đầu tư song phương mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ hơn vấn đề phân cấp, đưa vào phần chuyển tiếp để đảm bảo phù hợp với chủ trương hiện nay; cân nhắc xem xét lại quy định tại khoản 4, điều 6 về thu hồi đất; rà soát lại từ ngữ nhằm đảm bảo thống nhất về từ ngữ trong Dự thảo; tương thích với các luật hiện hành.
Về đảm bảo quốc phòng an ninh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa lại Dự thảo theo đề nghị của Bộ Quốc phòng; cần xây dựng cơ chế, các quy định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tốt nhất cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng, vì lợi ích chung của đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú khẳng định, trên cơ sở ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, sau khi cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Hải Phòng để hoàn thiện, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Chính phủ./.