Thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng

(BKTO) - Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2023, nhìn chung thị trường bất động sản trên cả nước vẫn trong trạng thái khá trầm lắng khi nguồn cung và lượng giao dịch tiếp tục sụt giảm, hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành còn nhiều khó khăn.

20230224_085337.jpg
Bộ Xây dựng đánh giá, trong quý I/2023, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh minh họa: D.THIỆN

Báo cáo tổng hợp tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, nguồn cung nhà ở thương mại trong 3 tháng đầu năm vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022.

Cụ thể, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án so với 22 dự án của quý IV/2022 và 39 dự án của quý I/2022. Số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 52 dự án so với 59 dự án của quý IV/2022 và 56 dự án của quý I/2022. Số lượng dự án hoàn thành trong quý là 14 dự án so với 28 dự án của quý IV/2022 và 22 dự án của quý I/2022.

Về lượng giao dịch, trong quý I có 106.401 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 39.133 giao dịch thành công; lượng giao dịch đất nền có 67.268 giao dịch thành công. Lượng giao dịch bất động sản trên so với quý IV/2022 chỉ đạt 65,06% và đạt 61,2% so với quý I/2022.

Về tồn kho bất động sản, số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng lượng tồn kho bất động sản trong quý I vào khoảng 18.808 căn, nền. Trong đó, phân khúc chung cư tồn 2.572 căn; nhà ở riêng lẻ tồn 9.123 căn; đất nền tồn 7.113 nền. 

Về hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục giảm. Trong quý I, cả nước có 940 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng phải dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn...

Tương tự, đối với các sàn giao dịch bất động sản, theo khảo sát của Bộ Xây dựng, trong quý I có thêm khoảng 30%-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước, đồng thời ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30%-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

“Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại, nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn” - Bộ Xây dựng đánh giá.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản và các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn, Bộ Xây dựng đã có một số đề nghị với các Bộ, ngành liên quan.

Cụ thể, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để rà soát, tháo gỡ từng vấn đề vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; tiếp tục tổng hợp các vướng mắc của các doanh nghiệp, các hiệp hội gửi trực tiếp đến Tổ công tác để kịp thời báo cáo Chính phủ và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.

Song song với đó, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp; kịp thời phối hợp đồng bộ để hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Theo đó, nhóm các khó khăn vướng mắc đã có quy định pháp luật nhưng việc thực thi ở địa phương chưa hiệu quả thì yêu cầu các Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể; đối với khó khăn vướng mắc do các quy định của pháp luật cần chỉ rõ các điều khoản của thông tư, nghị định và các luật.

Về phía các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật, để tăng nguồn cung về nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua...

Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Đồng thời, các địa phương cần chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ; theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn…/.

Cùng chuyên mục
Thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng