Thị trường chứng khoán Mỹ làm gia tăng bất bình đẳng xã hội trong đại dịch

(BKTO)- Khoảng cách giàu, nghèo của nước Mỹ dự báo sẽ tăng lên nhiều do đại dịch Covid-19, và thị trường chứng khoán được coi là một trong những nguyên nhân lớn của hiện tượng này.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm

   

Người giàu hưởng lợi nhiều hơn

Theo lần công bố dữ liệu gần đây nhất (2016) của Cục Dự trữ Liên bang đã cho thấy quyền sở hữu cổ phiếu tập trung nhiều nhất ở những người giàu, với 10% hộ gia đình giàu nhất nước Mỹ sở hữu 84% tổng số cổ phiếu.

Điều này dẫn đến khi thị trường chứng khoán đang tăng đột biến, đặc biệt là vào thời điểm thất nghiệp cao và thu nhập lao động trì trệ, sẽ càng làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giàu nghèo.

Với 84% cổ phiếu tập trung ở 10% những người giàu nhất, cũng đồng nghĩa với việc mức tăng khổng lồ của chỉ số S&P 500 (INX) trong 12 tuần qua không mang lại lợi ích đáng kể cho 90% số người còn lại. Điều này làm gia tăng sự bất bình đẳng, khi nước Mỹ vẫn quay cuồng giữa một cú sốc kinh tế gây ra cuộc khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Điều đáng nói, giá cổ phiếu Mỹ lại đang tăng nhờ sự hỗ trợ chưa từng có từ Cục Dự trữ Liên bang, hàng nghìn tỷ USD kích thích của chính phủ và sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế nhanh chóng.

Tuy nhiên, điều bất bình đẳng thể hiện ở những người Mỹ bị tổn thương nặng nề nhất bởi đại dịch dường như không được hưởng lợi trực tiếp từ hàng nghìn tỷ USD kích thích thị trường chứng khoán này. Sự mất kết nối đó có thể nuôi dưỡng tình trạng bất ổn xã hội, khi sự phân chia kinh tế xã hội và chủng tộc càng trở nên rõ rệt hơn.

Tại sao cổ phiếu khiến gia tăng bất bình đẳng

Theo báo cáo từ Credit Suisse, năm 2019, 1% người giàu nhất sở hữu 45% tài sản của thế giới. Sau vụ sụp đổ dot-com vào đầu những năm 2000, các gia đình trung lưu Mỹ đã rời khỏi thị trường chứng khoán. Đối mặt với áp lực tài chính đang diễn ra, nhiều người không bao giờ quay trở lại, trong khi những người giàu có vẫn nắm giữ cổ phần của họ.

Theo nghiên cứu của Edward Wolff - giáo sư tại Đại học New York: Thu nhập của gia đình trung lưu không thực sự tăng trong 20 năm. Có rất nhiều căng thẳng tài chính đối với tầng lớp trung lưu nên họ chưa thực sự mở rộng nắm giữ cổ phiếu của mình.

Cũng theo báo cáo năm 2017 của Cục Dự trữ Liên bang, tại Mỹ, sự chênh lệch cũng diễn ra theo các dòng nhân khẩu học. Hơn 60% gia đình da trắng sở hữu cổ phiếu, trực tiếp hoặc thông qua tài khoản hưu trí, trong khi chỉ khoảng 30% gia đình da đen và Tây Ban Nha sở hữu cổ phiếu.

Cổ phiếu không phải là cách duy nhất để phát triển sự giàu có. Nhưng các hộ gia đình có thu nhập cao hơn có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, cho họ cơ hội đầu tư lớn hơn. Những hộ gia đình này sau đó có thể tận dụng lợi nhuận của họ trên các tài sản như cổ phiếu để tiếp tục tăng danh mục đầu tư của họ. Điều này tạo ra một "hiệu ứng phản hồi" giúp người giàu tiếp tục mở rộng tài sản của họ.

Trong khi thu nhập của tầng lớp trung lưu vẫn trì trệ, giá trị của cổ phiếu đã tăng vọt, nhờ vào những dòng tiền kích thích từ ngân hàng trung ương. Theo thống kê chỉ số S&P 500 đã tăng 172% kể từ năm 2002, trong khi Nasdaq đã tăng hơn 400%.

Bên cạnh đó, thống kê cho thấy từ năm 2008 đến tháng 3/2020, các công ty đã chi gần 7,1 nghìn tỷ USD cho việc mua lại cổ phiếu đã làm tăng giá cổ phiếu. Một khoản cắt giảm thuế doanh nghiệp lớn của chính quyền Trump trong năm 2017 cũng đã được nhiều công ty sử dụng để mua lại cổ phiếu của chính họ.

Hiệu ứng Covid-19

Sau khi lao dốc vào tháng 3, chứng khoán đã tăng giá kỷ lục khi các ngân hàng trung ương cam kết hàng nghìn tỷ USD và sự can thiệp chưa từng có để thúc đẩy thị trường và nền kinh tế. Điều đó được coi là sự trợ giúp cực kỳ lớn cho các gia đình thượng lưu - những người có nhiều khả năng sở hữu cổ phiếu.

Theo báo cáo từ Viện nghiên cứu chính sách thì từ ngày 18/3 đến 11/6, khối tài sản của tỷ phú Mỹ đã tăng thêm 637 tỷ USD - tăng hơn 21%.

Trong khi đó, trái ngược lại thị trường chứng khoán sôi động, triển vọng kinh tế của nước Mỹ lại đang vô cùng mờ mịt. Hàng chục triệu công nhân trên khắp thế giới vẫn thất nghiệp trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái và các cộng đồng dễ bị tổn thương - bao gồm phụ nữ và người Mỹ da đen và Tây Ban Nha - lại là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cũng thừa nhận: "Những người ít có khả năng chịu được sự suy thoái đã bị ảnh hưởng nhiều nhất".

Eswar Prasad - một nhà kinh tế tại Đại học Cornell cho rằng: "Các hộ gia đình đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc suy thoái này, đặc biệt là những hộ gia đình có lương thấp và tay nghề thấp, không có tiền tiết kiệm hoặc chỉ là những khoản tiết kiệm nhỏ. Điều đó có nghĩa là họ gần như khó có thể nhận được lợi ích thực tế từ việc giá cổ phiếu hồi sinh".

Thêm vào đó, một số công ty đã chọn duy trì cổ tức của họ trong khi sa thải công nhân. Chẳng hạn, tập đoàn khổng lồ British Petroleum (BP) đang trả cho các cổ đông khoản thanh toán của họ trong quý đầu tiên nhưng tuần trước đã tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 việc làm vào cuối năm nay.

Sự giận dữ tăng lên

Khi mối lo ngại về sự bất bình đẳng ngày càng tăng, sự chú ý đang chuyển sang Cục Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng đồng ý rằng Cục Dự trữ Liên bang đang ở thế khó khăn; không hành động, suy thoái kinh tế có thể biến thành khủng hoảng.

Giáo sư Prasad nhận định: "Thật không may, chính sách tiền tệ có giới hạn của nó và bất bình đẳng gia tăng có thể là cái giá mà Cục Dự trữ Liên bang phải trả trong khi cơ quan này cố gắng hỗ trợ hoạt động kinh tế".

Tuy nhiên, hậu quả của việc này là sự bất bình đẳng bởi thị trường chứng khoán kéo dài suốt hai thập kỷ qua dự kiến ​​sẽ trở nên tồi tệ hơn, điều này có thể sẽ khiến sự tức giận và bất mãn lan rộng thúc đẩy các cuộc biểu tình trên đường phố.

Joseph Brusuelas - nhà kinh tế trưởng của công ty kiểm toán RSM cho biết: "Mặc dù không có gì sai với các thương nhân và nhà đầu tư trong việc thu lợi nhuận từ hoạt động đầu tư thông minh, tuy nhiên sự mất kết nối ngày càng tăng giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ khiến căng thẳng xã hội ngày một gia tăng".
NAM SƠN (Theo CNN)
Cùng chuyên mục
Thị trường chứng khoán Mỹ làm gia tăng bất bình đẳng xã hội trong đại dịch