Thị trường lao động - Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI

(BKTO) - Chuyên gia kinh tế của BofA Securities Inc nhấn mạnh trong thập niên qua, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và “Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực này.”

Điểm sáng thu hút FDI

cong-nghiep-nguon-ibtimes.jpg
Thị trường lao động cạnh tranh và hàng loạt hiệp định FTA là lợi thế của Việt Nam - Ảnh minh họa

Việt Nam vẫn là "ngôi sao sáng" ở Đông Nam Á cho dù ghi nhận tình trạng thiếu điện năm ngoái và lĩnh vực bất động sản suy yếu. Đây là đánh giá của ông Kai Wei Ang, nhà kinh tế chuyên về ASEAN, thuộc Công ty chứng khoán BofA Securities Inc., trước đây là Bank of America Merrill Lynch.

Trong cuộc đối thoại mới đây trên chương trình Squawk Box của CNBC, ông Kai Wei Ang nhấn mạnh các lợi thế của Việt Nam về thị trường lao động cạnh tranh và hàng loạt hiệp định tự do thương mại (FTA) giúp hoạt động xuất khẩu sang các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU) dễ dàng hơn. Theo ông, đây là yếu tố cơ bản hỗ trợ Việt Nam thu hút đầu tư.

Đề cập vấn đề thiếu điện vào đầu mùa Hè năm 2023, ông Kai Wei Ang nhận định thời điểm này năm ngoái có sự mất cân bằng cung-cầu toàn diện trong ngành điện. Nhu cầu tăng cao do thời tiết nắng nóng và các hồ chứa cạn kiệt, dẫn đến nguồn cung bị thu hẹp.

Ông cho rằng rút kinh nghiệm từ tình hình năm ngoái, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt hơn và áp dụng nhiều cách tiếp cận phù hợp hơn. Do đó, hy vọng tình trạng thiếu diễn sẽ không tái diễn.

Chuyên gia kinh tế của BofA Securities Inc nhấn mạnh trong thập niên qua, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI và “Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng, điểm sáng trong khu vực này.”

Ông Kai Wei Ang dẫn số liệu thống kê của Chính phủ Việt Nam cho biết tính đến ngày 20/5/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đạt 11,071 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Vốn thực hiện dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trung tâm phân phối và hậu cần lý tưởng

suy-thoai-kinh-te-toan-cau.jpeg
Việt Nam được đánh giá là 'cửa ngõ đi vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương' - Ảnh minh họa

Trước đó, Cơ quan Phát triển xuất khẩu (EDC) của Chính phủ Canada đã có bài viết “Kinh doanh tại Việt Nam: Chớp lấy ngôi sao đang lên này của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” trong đó chuyên gia về thương mại quốc tế Carol Fragiskos nhấn mạnh vị trí chiến lược của Việt Nam khiến nơi đây trở thành trung tâm phân phối và hậu cần lý tưởng.

Trong bài viết, tác giả nhận định cái tên gọi ngày xưa là “Miền đất Thăng Long” ngày nay là hình ảnh của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.

Dựa trên số liệu của World Economics, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của Việt Nam là hơn 8%. Tác giả nhấn mạnh với những con số như vậy, không có gì ngạc nhiên khi EDC chọn Việt Nam để đặt văn phòng đại diện tiếp theo tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Văn phòng dự kiến khai trương vào mùa Thu này, do Trưởng đại diện đầu tiên của EDC tại Việt Nam, ông Nathan Nelson đứng đầu. Ông đang quyết tâm tăng gấp đôi giá trị thương mại từ Canada sang Việt Nam trong 5 năm tới.

Theo bài viết cho biết vị trí chiến lược của Việt Nam - nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gần các thị trường lớn ở châu Á, với khả năng tiếp cận các tuyến vận chuyển toàn cầu quan trọng - khiến nơi đây trở thành trung tâm phân phối và hậu cần lý tưởng.

Tác giả nhấn mạnh không chỉ riêng vị trí địa lý mà còn nhiều điều khác xứng đáng để đầu tư kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang vượt xa tất cả các nước khác trong khu vực. Dân số 100 triệu người là một con số đáng chú ý khác nữa, đặc biệt khi xem xét một nửa là dưới 30 tuổi.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết mặc dù mức lương tối thiểu đang tăng lên, nhưng chi phí lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn các quốc gia tương đương ở khu vực này.

Khi chuyển sang các hoạt động công nghiệp có giá trị cao hơn, Việt Nam đang trở thành một thị trường ngày càng được săn đón đối với những người quan tâm tới sản xuất.

Tác giả cũng nhấn mạnh thêm rằng ngoài ổn định về mặt chính trị, Chính phủ Việt Nam còn cam kết cải cách và tự do hóa kinh tế. Môi trường đầu tư nước ngoài tiến bộ đang tạo ra các ưu đãi về thuế và mức giá trong một số lĩnh vực ưu tiên và khu vực địa lý nhất định. Và quan trọng hơn, khung pháp lý minh bạch và chế độ quản lý có thể dự đoán được sẽ mang lại thêm niềm tin cho các công ty muốn kinh doanh tại thị trường này.

Tác giả nhận định Việt Nam đang đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng. Với cam kết đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cũng đang tìm cách tăng nhanh cơ cấu năng lượng tái tạo. Nhiều dự án trên toàn quốc đang được triển khai về năng lượng xanh, quản lý chất thải và phát triển đô thị một cách bền vững.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền kinh tế kỹ thuật số lành mạnh dự kiến sẽ đạt khoảng 38 tỷ USD vào năm 2025. Nhiều lĩnh vực - bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính và trí tuệ nhân tạo - đã được thúc đẩy nhờ các sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương - bao gồm với Trung Quốc, Ấn Độ,  EU, ASEAN - Việt Nam là một quốc gia luôn mở rộng cánh cửa cho hoạt động kinh doanh.

Tác giả cũng nhấn mạnh rằng các nhà xuất khẩu Canada có được ưu tiên tiếp cận thị trường tăng trưởng nhanh chóng này thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), loại bỏ thuế quan và giảm rào cản thương mại đối với 98% hàng xuất khẩu sang các quốc gia thành viên.

Bài báo cho biết Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, với giá trị thương mại song phương tổng cộng 14 tỷ CAD (10,2 tỷ USD) năm 2023. Tuy nhiên, giá trị này chỉ mang tính một chiều khi xuất khẩu của Canada sang Việt Nam chỉ đạt dưới 1 tỷ CAD.

Trưởng đại diện đầu tiên của EDC Nathan Nelson cho rằng sau rất nhiều phân tích thị trường, EDC có thể tự tin nói rằng Việt Nam có nhiều thứ dành cho tất cả mọi người. Đó là ngôi sao mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt đối với các công ty đang tìm cách đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Nelson đánh giá bây giờ là thời điểm rất quan trọng. Việt Nam đang đầu tư rất nhiều vào phát triển cơ sở hạ tầng và đã trở thành một trung tâm sản xuất đáng kinh ngạc.

Vì những lý do đó, ông tập trung vào việc xác định những dự án cơ sở hạ tầng và sản xuất tiên tiến nào phù hợp nhất với khả năng của Canada, để có thể thúc đẩy kết nối và xây dựng năng lực.

Cùng chuyên mục
Thị trường lao động - Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI