Ngành thép khởi sắc nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn

(BKTO) - Vượt qua những chuỗi ngày “ảm đạm”, ngành thép trong nước đã có tín hiệu khởi sắc 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn...

Thị trường thép khởi sắc 6 tháng đầu năm

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) - cho biết, trong giai đoạn từ đầu năm tới nay, thị trường sắt thép thế giới biến động khá mạnh, chia ra làm hai giai đoạn giá giảm - tăng khá rõ ràng. Kể từ đầu năm tới cuối tháng 3, giá ghi nhận đà lao dốc mạnh, trong đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Trung Quốc đã giảm khoảng 13% về 3.662 nhân dân tệ/tấn; trong khi giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore có thời điểm rơi khỏi mốc 100 USD/tấn, giảm về mức đáy 7 tháng.

Đối với thị trường trong nước, sự khởi sắc từ cuối năm ngoái đã tạo bước chạy đà cho ngành thép duy trì ổn định trong giai đoạn đầu năm nay. Chỉ tính trong quý I năm nay, sản xuất thép thô đạt tổng cộng 5,32 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, tiêu thụ đạt 5,38 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, giá thép nước ta vẫn đang tiếp nối đà tăng từ cuối năm ngoái và duy trì ổn định. 

thep-hoa-phat.jpg
"Ông lớn" thép Hòa Phát ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16% trong quý đầu năm 2024 

“Ông lớn” thép Hòa Phát ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16% lên 30.852 tỷ trong quý đầu năm và lãi ròng gấp hơn 7 lần cùng kỳ đạt 2.871 tỷ đồng. Hai tên tuổi khác là Hoa Sen và Nam Kim cũng tăng trưởng lần lượt 32% và 21% so với cùng kỳ.

Các chỉ số biên lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp thép đã tạo đáy từ năm 2022 và đang trên đà hồi phục. Lợi nhuận trước thuế của đa số doanh nghiệp nhìn chung đã thoát khỏi ngưỡng âm.

Các chuyên gia ngành thép nhìn nhận, thị trường vẫn còn nhiều biến số về giá thép, than cốc, quặng sắt ... nên những doanh nghiệp nào có khả năng chủ động và quản lý hàng tồn kho tốt sẽ ghi nhận sự cải thiện biên lợi nhuận rõ rệt hơn nữa trong năm 2024.

Nhìn chung, những kỳ vọng vào sự phục hồi cả về giá và nhu cầu của thị trường thép xây dựng nội địa đang ngày càng tăng cao. Một số nhà kinh doanh vật liệu xây dựng phía Bắc cho biết, tốc độ bán hàng bình quân cho nhóm khách hàng dân dụng trong quý II này đã có sự cải thiện hơn đại diện.

Doanh nghiệp thép vẫn gặp nhiều khó khăn

Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng diễn ra ngày 15/6, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) - nhận định, với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.

Việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép sẽ tạo bất lợi khi các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Thép Trung Quốc tiếp tục ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.

Ông Nghiêm Xuân Đa nhấn mạnh thêm, ngành thép trong nước còn đối mặt với tình trạng "cung vượt cầu", cộng với sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.

Đối mặt với những khó khăn này, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

thep-1(1).jpg
Hiệp hội Thép Việt Nam tiếp tục kiến nghị đẩy mạnh đầu tư công nhằm kích cầu, tiêu thụ thép nội địa. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Tiếp tục kiến nghị đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công…

Hiệp hội thép Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại đối sản xuất thép ở nước ngoài.

Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chiến lược phát triển công nghiệp thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, gắn với các chính sách đặc thù cho ngành thép tăng trưởng xanh và bền vững. Trong thời gian chưa có Chiến lược phát triển ngành thép, cần biện pháp quản lý đầu tư các dự án thép có quy mô lớn nhằm kiểm soát cân đối cung cầu, tránh lãng phí tài nguyên, vốn, đất đai, bảo vệ môi trường giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sản xuất tiêu thụ xanh.

Hiệp hội Thép đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách ổn định tỷ giá, duy trì giá điện hợp lý, ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư với dự án thép có quy mô lớn bởi do đặc thù các dự án sản xuất thép cần chi phí đầu tư lớn, thời gian hu hồi vốn dài.

Hiệp hội đề nghị các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu giải pháp và các gói tài chính xanh hỗ trợ doanh nghiệp thép chuyển đổi xanh theo Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ tại COP26.

Sẵn sàng nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp ngành thép

Trước những kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhất là về nguồn vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Các ngân hàng luôn sẵn sàng đủ vốn để doanh nghiệp ngành thép, xi măng và vật liệu xây dựng vay khi có nhu cầu về vốn với những dự án khả thi.

Phía Bộ Tài chính cũng đồng tình với ý kiến của Hiệp hội Thép Việt Nam về việc cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, đối với thuế xuất nhập khẩu, cần điều chỉnh theo hướng tăng dần, đầu vào ở mức thấp còn với các sản phẩm tinh hơn sẽ áp thuế cao hơn góp phần tạo ra rào cản pháp lý bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ cũng đang hoàn tất Dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Về hỗ trợ vay vốn, Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu phù hợp đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép.

Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt, Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, Bộ cũng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại sản phẩm thép ở nước ngoài.

Cùng chuyên mục
  • Gỡ vướng về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây
    2 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) song các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án.
  • Phát động cuộc thi ảnh “Nét đẹp Vinachem”
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Hoá chất Việt Nam (19/8/1969 - 19/8/2024), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) phát động Cuộc thi ảnh “Nét đẹp Vinachem”.
  • Hoàn thiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Việc ban hành Luật này nhằm hoàn thiện các quy định về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thuế TNDN với quy định của pháp luật có liên quan...
  • Sửa Luật thuế 71: Vì một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Những bất cập của Luật 71/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật thuế 71) đã rõ ràng, kéo dài nhiều năm gây rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp nước nhà. Đã đến lúc, sắc thuế này cần phải được thay đổi.
  • Trao giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghệ cao
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Dự án Nhà máy giấy bao bì công nghệ cao tại tỉnh Nam Định ước tính có doanh thu bình quân 4.200 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 200-250 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 180 lao động địa phương.
Ngành thép khởi sắc nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn