Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của gần 200 lãnh đạo cơ quan báo chí và phóng viên chuyên trách mảng kinh tế, phòng, chống dịch.
Kiểm soát tối đa dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, Hội thảo nhằm thông tin sâu, rõ hơn về Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128; đồng thời chuẩn bị cho việc thực hiện 2 chiến lược: Chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh và Chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế (đang được xây dựng).
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông |
Báo cáo tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế nêu rõ, mục tiêu quan trọng của việc ban hành Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành.
Đặc biệt, việc ban hành các văn bản này còn giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại trạng thái bình thường mới. Đồng thời, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết.
Thông tin thêm về các biện pháp phòng, chống dịch trên thế giới, Cục trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, các nước phân vùng nguy cơ dựa trên các yếu tố kỹ thuật, chuyên môn như: tỷ lệ mắc trên số dân, tử vong, tiêm chủng và khả năng đáp ứng của y tế. Có nước sử dụng 1, 2, 3 chỉ số, có nước sử dụng cả 4 chỉ số.
Bên cạnh đó, các quốc gia đều áp dụng cách ly tập trung với người nhập cảnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cách ly người tiếp xúc gần với người nhiễm nên cách ly F1 14 ngày, kể cả đã tiêm 2 mũi vắc xin. Hầu hết, các nước đều thực hiện giãn cách xã hội trong thời điểm dịch bùng phát mạnh với mức độ, phạm vi và hình thức khác nhau.
“Khi ban hành Nghị quyết 128 và và Quyết định 4800, một mặt, chúng ta vẫn phải kiểm soát tối đa dịch bệnh, nghĩa là vẫn phải tuân theo các hướng dẫn của WHO; mặt khác, phải tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Điểm mới ở đây là chúng ta chấp nhận bình thường mới, nghĩa là vẫn có ca F0 trong cộng đồng thay vì không có ca F0 nào như trước” - bà Hương nhấn mạnh.
Đã triển khai tiêm 78 triệu liều vắc xin Covid-19
Tại Hội thảo, lãnh đạo Bộ Y tế đã giải đáp nhiều câu hỏi của lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm, như: Vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em; cách ly y tế; việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành; giá kit, giá xét nghiệm; quy trình áp dụng Nghị quyết 128; vấn đề y tế dự phòng; thông tin về vắc xin Nano Covax…
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Đ. KHOA |
Thông tin tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam hiện đã tiếp cận 107 triệu liều vắc xin phòng ngừa Covid-19 và đã triển khai tiêm 78 triệu liều.
“Sau thời gian tổ chức tiêm và trên cơ sở hướng dẫn của các hãng sản xuất vắc xin, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp và thấy cần mở rộng đối tượng tiêm vắc xin để nâng độ bao phủ. Vì vậy, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 18 tuổi, nhưng tiêm có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình. Trước mắt, chúng ta sẽ tiêm cho trẻ em 16 -17 tuổi và ở những khu vực nguy cơ cao” - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, vắc xin tiêm cho trẻ em ở nước ta hiện có 2 loại là Moderna và Pfizer. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, trong đó thống kê cụ thể đối tượng trẻ em 12 - 17 tuổi để Bộ Y tế tổng hợp và có kế hoạch tiếp cận, phân bổ vắc xin cho đối tượng này. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ triển khai tập huấn cho 63 tỉnh, thành phố về tiêm vắc xin cho trẻ em để bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Về vấn đề xét nghiệm, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh Quyết định 4800 của Bộ Y tế quy định rõ các đối tượng cần phải xét nghiệm. Đó là người có nguy cơ cao, người có triệu chứng, xét nghiệm ngẫu nhiên ở cơ sở sản xuất kinh doanh; không xét nghiệm tất cả người đi từ địa bàn này sang địa bàn khác, chỉ xét nghiệm người đi từ địa bàn có nguy cơ dịch cấp độ 3, 4 và khu cách ly.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trên thực tế, người ở vùng dịch về các địa phương khác có nguy cơ cao hơn. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn bổ sung. Theo đó, các đối tượng này khi về địa phương cần được sàng lọc, theo dõi sức khỏe để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Bộ Y tế đang phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2, và xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để đưa ra mức giá phù hợp. Trước khi ban hành văn bản, Bộ Y tế sẽ thông tin tới người dân.
X.HỒNG – Đ. KHOA