Sử dụng rượu, bia có xu hướng trẻ hóa
Tại Hội thảo “đánh giá tác động kinh tế- xã hội liên quan đến dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” do Bộ Y tế tổ chức chiều nay, ngày 15/11, bức tranh tổng thể về tác hại của rượu, bia, những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe do các sản phẩm này mang lại đã được các chuyên gia phân tích, từ đó nhìn nhận yêu cầu cấp thiết của việc ban hành Luật PCTHRB.
TS. Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, vừa qua, dự thảo này đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tờ trình về dự án Luật PCTHRB cho biết, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh, cho nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh, thể hiện qua 3 tiêu chí: mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới; tỷ lệ người dân có uống rượu, bia và tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại.
TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị. |
Theo PGS,TS. Phạm Việt Cường, điều đáng lo ngại là việc sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người lớn. Bởi não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển đến tuổi 25. Việc sử dụng rượu bia có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển đó trong khi não bộ của vị thành niên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi rượu, bia.
Nghiên cứu cũng chỉ ra 21% nam thanh niên lái xe sau khi sử dụng rượu bia bị chấn thương do tai nạn giao thông phải điều trị ít nhất một tuần. Ngoài ra còn tác động đến các vấn đề xã hội khi do sử dụng rượu bia mà 6,5% học sinh lớp 8-12 gặp phải các vấn đề như nghỉ học, đánh nhau, mâu thuẫn với gia đình và bạn bè; có hành vi tình dục không an toàn… Bên cạnh đó là các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất ở cả nữ và nam.
Trong khi đó, Nghiên cứu của Học viện cảnh sát tại 11 tỉnh, thành phố thực hiện năm 2015 cũng cho thấy, vi phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Theo các chuyên gia, đây thực sự là con số đáng báo động, bởi đây là các độ tuổi lao động chính và là thành phần có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội.
Còn nhiều khoảng trống
Phân tích các nội dung của dự thảo luật nhìn từ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)và pháp luật của một số quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(CPTPP) và WTO, TS. Nguyễn Văn Tiên- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, còn nhiều khoảng trống mà dự luật chưa điều chỉnh, đặc biệt là 3 biện pháp hiệu quả nhất mà WHO khuyến cáo gồm kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát marketing rượu, bia; chính sách thuế và giá. “Nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì khó đạt được mục tiêu của luật. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện Việt Nam thì có thể quy định lộ trình để thực hiện toàn diện các biện pháp khuyến cáo của WHO đến 2025” - TS. Tiên nói.
TS. Nguyễn Văn Tiên khuyến nghị kiểm soát rượu bia hiệu quả tại Việt Nam là cần xây dựng và thực thi đồng bộ chính sách kiểm soát sự sẵn có của rượu bia: Thời gian bán, điểm bán, kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ; tăng thuế, tăng giá rượu bia; kiểm soát toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia.
TS. Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị. |
Box: Tại Việt Nam, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD. Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung), đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng, theo GDP năm 2017).
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC