Thiết thực phê bình và tự phê bình - thang thuốc tốt nhất

(BKTO) - Vào ngày 28/11/1959, khi nói chuyện tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có hoạt động thì khó tránh khỏi có khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa”.

2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô Hà Nội, ngày 14/02/1961. Ảnh: hochiminh.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên yêu cầu Đảng phải chú ý đến việc phê bình và tự phê bình, tích cực sửa chữa sai phạm, khuyết điểm để tiến bộ, trưởng thành. Phát biểu với Hội nghị chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp trong Quân đội, tháng 5/1957, Người nhấn mạnh: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”. Trong bài “Phê bình” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 20/5/1951, Hồ Chí Minh viết:

“Dao có mài, mới sắc.

Vàng có thui, mới trong.

Nước có lọc, mới sạch.

Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý chỉ ra việc tiến hành tự phê bình và phê bình như thế nào cho đúng đắn, hiệu quả. Trên Báo Nhân Dân, khi đề cập về vấn đề Tự phê bình và phê bình, Người viết: “Các tổ chức của Đảng thì cần mở rộng dân chủ nội bộ, thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình - nhất là phê bình từ dưới lên. Toàn thể đảng viên - trước hết là cán bộ phụ trách - phải làm gương mẫu tự phê bình và phê bình”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình và tự phê bình có ý nghĩa quan trọng như thang thuốc tốt để cán bộ, đảng viên tự giác và giúp đỡ nhau sửa chữa tiến bộ. Trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”.

Hồ Chủ tịch cũng xác định: Thang thuốc phê bình và tự phê bình chính là một trong những yếu tố quan trọng để hiểu và đánh giá đúng về cán bộ, đảng viên. Người phân tích: “Căn cứ vào cái gì mà biết ai thật thà thẳng thắn, ai không thật thà thẳng thắn? Căn cứ vào thái độ tự phê bình và phê bình mà biết. Ai tự tư tự lợi, dối trá với mình, dối trá với người không thành khẩn tự phê bình, cũng không thẳng thắn phê bình người khác”.

Thang thuốc tự phê bình và phê bình cũng là biện pháp tích cực để cải tạo tư tưởng, chữa căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Tháng 8/1959, Hồ Chí Minh nói: “Cải tạo tư tưởng không phải là khó, nếu quyết tâm là được. Muốn cải tạo tư tưởng thì phải nắm lấy vũ khí của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà ở trong xã hội cũ không thể có được, đó là thật thà tự phê bình và phê bình”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình, không muốn người ta phê bình mình, không kiên quyết sửa chữa. Vì vậy mà thoái bộ, chứ không tiến bộ được”.

Phê bình và tự phê bình còn là giải pháp quan trọng để xây dựng, củng cố và tăng cường sự đoàn kết thống nhất. Vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Tháng 6/1957, nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh, Người khẳng định: “Chúng ta đoàn kết mới có lực lượng. Muốn đoàn kết, lực lượng mạnh, phải có phê bình, tự phê bình. Phê bình, tự phê bình là để tăng thêm đoàn kết”.

Làm thế nào để sử dụng có hiệu quả nhất thang thuốc tự phê bình và phê bình luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người chỉ rõ, phải bằng tình yêu thương đồng chí đồng đội, lòng nhân ái mà tích cực tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, kết hợp tốt giữa tự phê bình và phê bình. Người nhấn mạnh: “Ta phải tự phê bình ráo riết và phải lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó đi đôi với nhau”.

Tư tưởng và tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình đã được Đảng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết và biện pháp đúng đắn, phù hợp của Đảng đã được ban hành, triển khai thực hiện thành công giúp cho Đảng không ngừng vững mạnh, trong sạch lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nhưng bên cạnh đó, tự phê bình và phê bình trong Đảng vẫn còn những hạn chế khuyết điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xây dựng Đảng và uy tín, danh dự, sức mạnh chiến đấu của Đảng. Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ thực tế này, như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII ngày 30/10/2016 của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.

Đồng thời, Đảng quyết tâm, kiên quyết, kiên trì tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để sửa chữa khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác tự phê bình và phê bình. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII nêu ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trước hết là “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình”. Trong đó, cụ thể: “Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”. Kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tiến hành đồng thời việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm, mục tiêu quan trọng đã và đang đặt ra với mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng là cần phải thiết thực góp phần vào việc thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong Đảng, bằng ý chí quyết tâm, niềm tin vào Đảng và những việc làm tự giác, đúng đắn, cụ thể, thiết thực của mình./.

Cùng chuyên mục
Thiết thực phê bình và tự phê bình - thang thuốc tốt nhất