Thời cơ mới phát triển thị trường mua bán, sáp nhập tỷ USD

(BKTO) - Những năm qua, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN. Các thương vụ M&A cũng góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của DN Việt Nam.



Có thể đạt mốc 7,6 tỷ USDnăm 2019

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 lần thứ 11 với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” diễn ra tại TP. HCM từ ngày 06 - 08/8, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, phân tích sâu những yếu tố chuyển động về chính sách cũng như chỉ ra các cơ hội và thách thức cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực để tạo nên sự bứt phá cho hoạt động M&A.

Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng nghìn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 55 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước sang giai đoạn bùng nổ mới. Số liệu thống kê cho thấy, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Trong đó, có gần 2,8 tỷ USD từ các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam và khoảng 2,64 tỷ USD nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần của các DN Việt Nam. Con số này đã bao gồm thương vụ Ngân hàng KEB HANA của Hàn Quốc chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam vừa được công bố ngày 22/7. Đây được ghi nhận là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Thị trường M&A không chỉ đạt kỷ lục về giá trị mà còn số lượng tăng lên nhanh chóng ở cả khối DN tư nhân, DN nước ngoài và DN có vốn nhà nước; không chỉ thu hút nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp mà còn từ các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, công nghệ. Những điều này minh chứng cho sự trưởng thành cũng như tiềm năng của thị trường M&A Việt Nam. Dự báo, năm 2019, giá trị M&A tại Việt Nam có thể đạt mốc 7,6 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm 2018. Xét về trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD, tuy nhiên, để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn từ nhiều phía.

Theo phân tích của các chuyên gia, động thái đáng chú ý nhất, có khả năng tác động đến hoạt động M&A tại Việt Nam là: việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Chứng khoán và các luật chuyên ngành khác; Nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 dự kiến lần đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành; việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

“Tất cả những yếu tố tích cực trên đang mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá, đưa M&A trở thành kênh thu hút đầu tư quan trọng trong thời gian tới. Song, để có thể thực sự bứt phá, thị trường M&A Việt Nam trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách đến các hoạt động kết nối, thực thi thương vụ và sự đổi mới, sáng tạo trong các bên mua và bên bán” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Đòn bẩy chính sách tạo động lực cho nhà đầu tư

Các chuyên gia cũng cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam tác động đến hoạt động M&A. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của các nước lớn; một số rào cản chính sách trong nước còn chưa được tháo gỡ; chất lượng DN và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn và những vướng mắc tồn tại trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN…

Trước những vấn đề được các đại biểu đặt ra liên quan đến việc sửa đổi một số luật, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN và niêm yết trên thị trường chứng khoán, sự minh bạch thông tin tới các nhà đầu tư…, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho biết, dự kiến tháng 10/2019, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi với điểm mới là sẽ gắn việc IPO của DNNN với quy định phải niêm yết ngay, tránh tình trạng thời gian qua có nhiều DNNN sau IPO một thời gian dài không niêm yết, tạo ra sự không minh bạch trong hoạt động.

Còn ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - đề cập, có 3 tác động có lợi cho nhà đầu tư khi sửa đổi Luật DN và Luật Đầu tư. Tác động lớn nhất là sự an toàn của nhà đầu tư khi đầu tư vào DN Việt Nam, bởi đây là trọng tâm của việc sửa Luật, trong đó bao gồm cả việc bảo vệ cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số, đồng thời yêu cầu công khai minh bạch thông tin với cả các DN mà Nhà nước sở hữu 50% vốn. Thứ hai, khi sửa Luật sẽ xây dựng danh mục đầu tư có hạn chế nhằm minh bạch thông tin cho các nhà đầu tư, điều này tạo thuận lợi cho hoạt động M&A diễn ra một cách tự nhiên chứ không phải vì chính sách. Thứ ba, chính sách mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, chẳng hạn sẽ tạo ra các công cụ cho phép nhà đầu tư tham gia đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước đang hạn chế.

Đại diện cho Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN - cho biết: Chúng tôi đang cố gắng thu hẹp diện DNNN - rà soát, công bố rõ những DNNN sẽ bán cổ phần với số lượng lớn và mở cửa cho các cơ quan định giá quốc tế thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.

Ngoài việc đưa ra các định hướng chiến lược mới theo hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất, đi cùng với đó là yêu cầu cao hơn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…, thì chủ trương của Chính phủ tới đây sẽ đa dạng hóa hình thức M&A; nghiên cứu, thực hiện thí điểm đối với các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới để tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng chia sẻ.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019
Cùng chuyên mục
Thời cơ mới phát triển thị trường mua bán, sáp nhập tỷ USD