
Thưa ông, là người từng trực tiếp chiến đấu, chỉ huy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xin ông có thể chia sẻ đôi điều về thời khắc lịch sử đó?
Năm 1965 khi tôi tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, tôi đã tham gia 67 trận đánh và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tôi được tham gia cả 4 chiến dịch lớn là: Chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Trong chiến dịch cuối cùng này, tôi là Trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Nhiệm vụ của Trung đoàn là đánh mũi thọc sâu từ cánh Bắc theo trục Đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình, giải phóng Sài Gòn.
Ngày 18/3/1975, Trung đoàn chúng tôi nhận lệnh hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào Đông Hà (Quảng Trị), làm dự bị cho giải phóng Huế và Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi Trung đoàn vào tới Huế ngày 26/3, Huế đã được giải phóng. Ngày 29/3, Trung đoàn tới bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng cũng đã được giải phóng. Trung đoàn được lệnh quay ra Đông Hà, hành quân theo đường Trường Sơn, tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên đường hành quân tới đèo Ang Bun, đơn vị nhận được mật lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng”. Lệnh truyền xuống, anh em quên hết mệt nhọc, bừng dậy khí thế, hành quân liên tục cả ngày lẫn đêm tiến về Đồng Xoài, sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng. Ngày 10/4, Trung đoàn đã có mặt ở Đồng Xoài, cách địch khoảng 50km.
Với những chiến công xuất sắc trong cuộc đời binh nghiệp, năm 26 tuổi, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng.
Tối 29/4, chúng tôi đến ấp Búng, cách Lái Thiêu (Bình Dương) khoảng 10km, thì phát hiện một ngôi nhà lợp lá với ánh đèn vẫn còn le lói bên trong. Nhận định đây có thể là cơ sở cách mạng, chúng tôi tìm đến. Tại đây, tôi gặp má Huỳnh Thị Sáu (thường gọi là Sáu Ngẫu) - một cơ sở cách mạng miền Nam. Má trao cho chúng tôi tấm bản đồ chỉ đường, giúp quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi, tránh được nhiều thương vong và tổn thất trên trục đường. Đêm hôm đó, má Sáu Ngẫu đã tham mưu cho Trung đoàn rất nhiều điều quan trọng trong trận đánh. Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má, hôm sau trên trục đường từ Lái Thiêu về Sài Gòn, chúng tôi dùng loa kêu gọi 2.000 lính ở trại Huỳnh Văn Lương đầu hàng. Đồng thời, chúng tôi tấn công qua Lái Thiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng và vượt cầu Vĩnh Bình, tiến thẳng vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp Ngụy. Sau đó, chúng tôi chiếm 13 căn cứ của Lục quân công xưởng ở Gò Vấp và Tổng Y viện Cộng hòa. Lúc đó là khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30/4.
Trưa hôm đó, chúng tôi nhận được thông tin Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Niềm vui, hạnh phúc tích tụ, kìm nén bấy lâu như được vỡ òa. Phút chốc cả một rừng cờ hoa và dòng người hân hoan đổ ra đường chào đón những đoàn quân cách mạng trong niềm vui toàn thắng.
Đến nay, những ngày tháng Tư lịch sử ấy đã lùi xa 50 năm, nhưng những ký ức về thời khắc hào hùng đó của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí tôi không hề phai mờ. Đặc biệt, tôi và các chiến sỹ Trung đoàn 27 khi đó vẫn khắc sâu về hình ảnh má Sáu Ngẫu mà khi đó chúng tôi đã gọi má là “bà má tham mưu” cùng tấm bản đồ chỉ đường má trao - tấm bản đồ giúp chúng tôi đi đến thắng lợi cuối cùng. Tấm bản đồ ngày đó được tôi giữ gìn rất cẩn thận và sau này tôi đã trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Thưa ông, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi mở ra trang mới trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước. 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, ông cảm nhận như thế nào về sự đổi thay của đất nước ta?
Có thể thấy, sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo tập trung, sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc tích cực, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước đã đạt được nhiều thành tựu rất đỗi tự hào.
Bước qua chiến tranh, từ một nước nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá trong hàng chục năm, liên tục bị bao vây, cô lập, nhưng đến nay Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế - chính trị thế giới. Tiềm lực về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh không ngừng được nâng cao; cục diện đối ngoại liên tục được mở rộng, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng lan tỏa; đời sống của nhân dân cũng được cải thiện rõ rệt…, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay”.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta lại đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới đó là đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh. Đảng và Nhà nước cũng đang thực hiện nhiều chủ trương rất lớn, có tính đột phá để tạo ra xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, đó là “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Các chủ trương lớn trên của Đảng, Nhà nước đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của nhân dân. Khi toàn Đảng, toàn dân có sự thống nhất “ý Đảng hợp lòng dân”, tôi tin tưởng rằng trong những giai đoạn tới, đất nước ta sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn, bước lên những “nấc thang” phát triển cao hơn, như mục tiêu mà Đảng đã đề ra là đến năm 2045, Kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Được biết, ông đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng dường như ông vẫn chưa cho phép mình được nghỉ, phải chăng ông vẫn còn những tâm nguyện muốn được tiếp tục cống hiến cho đất nước, quê hương?
Tôi nghỉ hưu năm 2011, năm nay tôi đã 78 tuổi, nhưng tôi vẫn làm việc để nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh, khoa học quân sự và những vấn đề môi trường thời hậu chiến. Tôi luôn tâm niệm, chỉ cần còn trí tuệ, còn sức khỏe tôi vẫn sẽ tiếp tục cống hiến trong khả năng của mình cho đất nước. Từ khi còn trên cương vị công tác và cho đến hiện nay, tôi đã viết được 10 cuốn sách về các lĩnh vực như: Quân sự, đối ngoại, môi trường. Thời gian tới, tôi dự định sẽ tiếp tục viết thêm một số cuốn sách nữa để đóng góp cho kho tàng tri thức của nước nhà.
Tôi cũng đang dành một phần lớn thời gian để thực hiện các hoạt động tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình của đất nước, tri ân những cơ sở cách mạng khi xưa đã nuôi giấu, bao bọc các chiến sĩ cách mạng…, như một cách để tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổ quốc, với chiến sĩ, đồng bào.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!./.