
Theo Chi cục thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, quý I/2025, lực lượng lao động, lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên của tỉnh ước đạt 600,31 nghìn người, giảm 18,46 nghìn người so với quý IV/2024 và tăng 3,91 nghìn người (0,66%) so với cùng kỳ. Xét theo cơ cấu, lao động khu vực thành thị chiếm 32,9% (197,5 nghìn người), khu vực nông thôn chiếm 67,1% (402,8 nghìn người). Theo giới tính, lực lượng lao động nam giới chiếm 51,1% (306,9 nghìn người), nữ giới chiếm 48,9% (293,4 nghìn người).
Số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trên toàn tỉnh ước đạt 588,2 nghìn người, giảm 11,2 nghìn người so với quý trước và tăng 9,48 nghìn người (1,64%) so với cùng kỳ. Lao động đang làm việc khu vực thành thị chiếm 33,3% (195,9 nghìn người), khu vực nông thôn chiếm 66,7% (392,3 nghìn người). Về giới tính, lao động nam đang làm việc chiếm 51,6% (303,7 nghìn người), nữ chiếm 48,4% (284,5 nghìn người).
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước đạt 1,5%, giảm 0,24 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên đạt 36,5%.
Tính từ ngày 15/2/2025 đến 14/3/2025, số lao động thôi việc, mất việc là 2.295 người, tăng 410% so với tháng trước, tăng 38,59% so với cùng kỳ. Biến động lao động trong kỳ phản ánh đặc điểm thường gặp sau Tết Nguyên đán, khi thị trường bước vào giai đoạn chuyển đổi mùa vụ, doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất theo nhu cầu mới, đồng thời ghi nhận tâm lý chuyển việc của người lao động sau kỳ nghỉ dài ngày.
Công tác hỗ trợ lao động tiếp tục được triển khai thông qua các chương trình tư vấn việc làm, đào tạo nâng cao tay nghề và kết nối cung - cầu lao động. Tính đến ngày 15/3/2025, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 6.423 lao động, tăng 3,63% so cùng kỳ. Trong đó, giải quyết 1.110 việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 2.937 việc làm trong khu vực công nghiệp - xây dựng; 2.194 việc làm khu vực dịch vụ; 182 người đi xuất khẩu lao động.
Trong quý, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tiếp nhận 731 lượt người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết 43 hồ sơ hỗ trợ học nghề, và tư vấn, giới thiệu việc làm cho 6.859 lượt người.
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được chú trọng, đặc biệt trong công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các ngành chức năng đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả quản lý đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó chú trọng cơ sở ngoài công lập và trực thuộc bộ, ngành. Công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên và trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cũng được tăng cường.